Phát triển công nghiệp phụ trợ thu hút đầu tư ở Bắc Ninh
VOV.VN - Sau 16 năm tái lập, Bắc Ninh trở thành một trong 10 tỉnh phát triển công nghiệp đứng đầu cả nước.
Triển khai quyết định 339 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoàn 2013-2020; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, sáng 28/9, Tỉnh ủy Bắc Ninh phối hợp với báo Nhân dân tổ chức hội thảo khoa học phát triển công nghiệp hỗ trợ thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế tỉnh Bắc Ninh.
Hội thảo khoa học phát triển công nghiệp hỗ trợ thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế tỉnh Bắc Ninh |
Phát biểủ khai mạc hội thảo, ông Trần Văn Túy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh cho biết, sau 16 năm tái lập, Bắc Ninh trở thành một trong 10 tỉnh phát triển công nghiệp đứng đầu cả nước. Đến nay, tỉnh đã thu hút được hơn 1.000 dự án đầu tư với tổng số vốn gần 10 tỷ USD. Cùng với việc thu hút được các tập đoàn đa quốc gia có thương hiệu nổi tiếng toàn cầu đầu tư vào tỉnh. Bắc Ninh cũng là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ. Đã có 126 doanh nghiệp đang hoạt động thuộc 4 nhóm ngành chính là: điện tử - tin học; cơ khí chế tạo; sản xuất và lắp ráp ô tô; dệt may và da giày.
Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ Bắc Ninh mới chỉ ở giai đoạn phát triển sơ khai nên còn nhiều tồn tại, hạn chế: Sản xuất còn manh mún, kém phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu; Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ còn nghèo nàn về chủng loại, kiểu dáng, giá lại cao hơn nhiều sản phẩm cùng loại nhập khẩu…
Ông Trần Văn Túy nói: “Chúng tôi nhận thức phát triển công nghiệp hỗ trợ ngoài việc tăng sức cạnh tranh sản phẩm của công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa theo chiều rộng và theo chiều sâu. Công nghiệp hỗ trợ còn góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Chúng tôi cũng nhận thức được rằng Bắc Ninh có nghiệp hỗ trợ đã phát triển chín muồi vì có sản phẩm đầu ra với số lượng rất lớn. Không thể phát triển bất cứ ngành công nghiệp hỗ trợ nào mà phụ thuộc vào sản phẩm đầu ra với khối lượng lớn thì đầu tư mới có hiệu quả”.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các các vấn đề để thúc đẩy và phát triển công nghiệp hỗ trợ như: vấn đề xây dựng thể chế, chính sách, kiến nghị với Chính phủ và các bộ ngành hữu quan để bổ sung điều chỉnh kịp thời, có phương án tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, không chỉ làm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo chiều rộng và chiều sâu, mà còn góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Một ngành công nghiệp hỗ trợ kém phát triển sẽ khiến cho các ngành công nghiệp chính thiếu đi sức cạnh tranh, làm cho nhiều công ty sản xuất thành phẩm cuối cùng, phải phụ thuộc vào nhập khẩu, làm giảm hiệu quả của nhiều dự án đầu tư. Vì vậy, việc phát triển công nghiệp phụ trợ đáp ứng phát triển công nghiệp là nguồn nhân lực và cách tổ chức công nghiệp.
Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho biết: “Hiện nay, điều cần làm là chúng ta phải chọn nhà đầu tư chiến lược vì khi có mục tiêu phát triển kinh tế mang tính đẳng cấp, họ giúp mình đạt được đẳng cấp ấy. Khi chúng ta có nhà đầu tư chiến lược, mới dựng được khung thể chế để đáp ứng được yêu cầu của họ để họ đầu tư có hiệu quả”.
Tại hội thảo các đại biểu nêu ra nhiều giải pháp để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Bắc Ninh như: xây dựng quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ; xúc tiến, thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ và tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ./.