Phát triển sâm Lai Châu theo mô hình chế biến sâu
VOV.VN - Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Lai Châu sẽ tập trung phát triển vùng trồng sâm khoảng 3.000 ha gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm chế biến từ sâm Lai Châu.
Lai Châu sẽ đồng hành, hỗ trợ các DN, cá nhân phát triển sâm đến cùng là khẳng định của lãnh đạo tỉnh này tại Diễn đàn mùa Xuân về phát triển sâm diễn ra mới đây. Diễn đàn vừa được tổ chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia, DN, hộ gia đình phát triển sâm trên địa bàn.
Với mục tiêu phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển sâm Lai Châu thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển sâm Lai Châu giai đoạn 2022 - 2030 và định hướng đến năm 2045. Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Lai Châu sẽ tập trung phát triển vùng trồng sâm khoảng 3.000 ha gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm chế biến từ sâm Lai Châu.
Hiện nay Lai Châu đang huy động sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp; sự giúp đỡ tâm huyết của các nhà khoa học và quyết tâm của người dân, hợp tác xã, DN để phát triển và hình thành chuỗi liên kết sản xuất.
Theo đó, tỉnh Lai Châu đang giao cho Hiệp hội Sâm Lai Châu thực hiện các nhiệm vụ chức năng liên kết, tháo giỡ khó khăn cho các DN, cá nhân trong phát triển vùng trồng sâm, cũng như phát triển các sản phẩm từ sâm.
Ông Ngô Tân Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sâm Lai Châu cho biết, Hiệp hội đã làm việc với các nhà máy đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) chuyên chế biến thuốc; làm việc với Cục quản lý Dược về quy trình cấp phép, chế biến các sản phẩm sâu mang tính chất thực phẩm chức năng.
“Cơ quan nhà nước, các nhà khoa học cũng đã đến vườn để lấy các mẫu sâm theo từng thời kỳ sinh trưởng và theo từng giai đoạn. Trong khi các cơ quan chức năng và các nhà khoa học nghiên cứu, công bố và dự kiến đến cuối năm 2023, tất cả các nghiên cứu sẽ được hoàn thành để phát triển mô hình trồng và tiêu thụ sâm chế biến sâu”, ông Hưng cho biết.
Theo ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, địa phương sẽ đồng hành, hỗ trợ các DN, cá nhân để phát triển sâm tới cùng. Đồng thời phối hợp với Hiệp hội Sâm Lai Châu, các đơn vị liên quan thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền, giới thiệu đến người tiêu dùng có đủ thông tin về sản phẩm sâm, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh, hướng tới xuất khẩu.
“Trước mắt tỉnh tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như thủ tục đăng ký cấp mã số cơ sở nuôi trồng, thủ tục quyết định đầu tư dự án, chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, hỗ trợ tích tụ đất đai, liên kết trồng sâm Lai Châu dưới tán rừng…”, ông Hải cho biết./.