Phiên đàm phán thứ nhất Hiệp định thương mại Việt Nam - EU
(VOV) - EU hy vọng đàm phán với Việt Nam sẽ diễn ra thuận lợi và đạt được kết quả tốt đẹp trong thời gian sớm nhất
Đoàn đàm phán Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế Trần Quốc Khánh dẫn đầu.
Phiên đàm phán diễn ra trong không khí thẳng thắn, cởi mở và hợp tác. Các chuyên gia đàm phán của Việt Nam và EU đã giới thiệu về hệ thống chính sách, quy định liên quan của mỗi bên trong các lĩnh vực cụ thể như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, hải quan, SPS, TBT....
Hai bên cũng đã trao đổi sơ bộ về quan điểm, cách tiếp cận của mình trong các nội dung đàm phán với mong muốn từng bước đạt được cách tiếp cận thống nhất.
Sau năm ngày thảo luận tích cực, cả Việt Nam và EU đều hài lòng với kết quả của phiên đàm phán đầu tiên, trong đó, cả hai bên đã đạt được sự hiểu biết cơ bản về quan điểm, mong muốn, cách tiếp cận vấn đề của phía đối tác. Đồng thời, hai bên cũng đã nhất trí lộ trình và những nội dung sẽ tiếp tục được triển khai để chuẩn bị cho các phiên đàm phán tiếp theo.
Trước đó, trong buổi tiếp ông Mauro Petriccione, Trưởng đoàn đàm phán EU, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định tăng cường các mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với EU là một trong những ưu tiên hàng đầu trong định hướng đối ngoại của Việt Nam.
Bộ trưởng khẳng định: Việt Nam coi Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU là một nội dung quan trọng trong chính sách thương mại của mình và việc đàm phán FTA song phương sẽ là một bước đi thiết thực nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU, mang lại lợi ích cho cả hai phía.
Trưởng đoàn đàm phán EU cho biết EU coi trọng và sẽ dành nỗ lực cho đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. EU hy vọng đàm phán với Việt Nam sẽ diễn ra thuận lợi và đạt được kết quả tốt đẹp trong thời gian sớm nhất có thể được, như mong muốn của cả hai phía.
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ). Năm 2011, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 24,2 tỷ đô la. Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt 16,55 tỷ đô la và nhập khẩu từ EU đạt 7,75 tỷ đô la.
Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của ta sang EU là giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, hải sản. EU cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam, tính đến cuối năm 2011, EU có 1687 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 32,85 tỷ đô la. Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp và xây dựng./.