Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Quy hoạch điện 8 phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên
VOV.VN - Hôm nay, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện 8).
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định quan điểm xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phát huy lợi thế của các địa phương nhưng phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tiết kiệm chi phí đầu tư xã hội.
Tại Hội nghị, các địa phương thống nhất cao với quan điểm, định hướng, chỉ đạo và cách làm thận trọng, kỹ lưỡng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm bảo đảm an ninh năng lượng; bố trí nguồn điện hợp lý giữa các vùng miền; giảm chi phí đầu tư hệ thống truyền tải, qua đó đã giảm tối đa tổng mức đầu tư, đảm bảo giá điện ở mức hợp lý; và thực hiện những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về giảm phát thải. Đặc biệt, Chính phủ đã có sự cân nhắc kỹ lưỡng trong việc phát huy lợi thế về phát triển điện lực của các địa phương, nhất là đối với địa phương còn khó khăn trên cơ sở bảo đảm hiệu quả chung.
Mặc dù còn có địa phương mong muốn được phát triển thêm nguồn điện trên địa bàn, tuy nhiên bộ Công thương đề nghị các tỉnh, thành có sự cân nhắc kỹ lưỡng trong việc phát huy lợi thế về phát triển điện lực trên cơ sở bảo đảm hiệu quả chung.
Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết: “Bộ đã tuân thủ nguyên tắc vừa kế thừa, vừa phát triển và khắc phục những yếu kém của quy hoạch điện 7 và điện 7 điều chỉnh. Có thể nói quy hoạch điện 8 của chúng ta giống như vẽ 1 bức tranh trên nền những bức tranh có sẵn sao cho hài hoà hợp lý chứ không thể vẽ ra một tờ giấy trắng được, cho nên chúng ta phải chấp nhận. Chỉ có phương án tối ưu chứ không thể có phương án hoàn hảo”.
Một số ý kiến cho rằng, việc thiếu nguồn lực, và chưa có giải pháp kịp thời thúc đẩy tháo gỡ khó khăn sẽ dẫn đến chậm tiến độ. Vì vậy cần có chính sách huy động nguồn lực, đặc biệt là có cơ chế đặc thù về đấu thầu và lựa chọn các nhà đầu tư.
Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: “Một năm chúng ta cần khoảng 14 tỷ USD cho đầu tư, trong báo cáo chúng ta chưa đề xuất được cơ chế chính sách huy động nguồn lực, đặc biệt là cơ chế đặc thù về đấu thầu, lựa chọn chủ đầu tư, các dự án điện, cơ chế thu hút đầu tư vào lưới điện truyền tải nhằm khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia. Trong quy hoạch có thể không triển khai hết được các cơ chế này, chúng tôi đề nghị Bộ Công Thương sớm có nội dung này”.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao các ý kiến tại hội nghị và cho rằng, các ý kiến thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, bám sát nội dung Hội nghị, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, giá trị về dự thảo Quy hoạch điện 8. Đây là Quy hoạch ngành quốc gia được triển khai đầu tiên theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, một quy hoạch ngành rất khó, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng xanh, sạch diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, đặc biệt là sau Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và Việt Nam có cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Vì vậy, Quy hoạch điện 8 được cộng đồng quốc tế và các địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư rất chờ đợi để định hướng quá trình đầu tư phát triển ngành năng lượng nói chung, điện lực nói riêng trong giai đoạn tới. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ “Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết” là quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo hoàn thiện Quy hoạch điện 8 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương triển khai rà soát quy hoạch một cách toàn diện, công tâm, khoa học, khách quan. Đến nay, cơ bản các phương án tính toán đã tối ưu. Giảm quy mô đầu tư theo quy hoạch gần 2 triệu tỷ đồng, trong đó giảm đầu tư công suất nguồn khoảng 35.000 MW, giảm đầu tư hệ thống truyền tải gần 300.000 tỷ đồng.
“1km đường cao thế 500Kv bằng nửa km đường cao tốc. Vốn đầu tư lên tới 33 tỷ USD, chúng ta phải hài hoà, tính toán. Vẫn phải có ưu tiên cho các địa bàn rất khó khăn, chúng ta vẫn để dự phòng cao hơn. Ví dụ như miền Trung. Nếu chúng ta không tính toán kỹ thì đường dây truyền tải lớn sẽ hại cho nền kinh tế và cuối cùng nhân dân là người chịu” - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương tiếp thu tối đa các ý kiến dựa trên nguyên tắc chung, hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch Điện 8 để thông qua Hội đồng thẩm định quốc gia, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét, phê duyệt trong tháng 4/2022./.