Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm việc với các tỉnh Tây Nguyên
VOV.VN - Hôm nay (10/2) tại Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị trực tuyến về việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 - 2025 về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo thông tin tại hội nghị việc, giai đoạn 2021-2025, các tỉnh Tây Nguyên được trung ương giao trên 11.700 tỷ đồng để thực hiện 3 chương trình MTQG. Số vốn này chiếm trên 11,73% tổng nguồn lực đầu tư phát triển của trung ương cho 3 chương trình MTQG trên cả nước.
Riêng năm 2022, trung ương cấp trên 3.878 tỷ đồng và các tỉnh Tây Nguyên đã bố trí 877,024 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương để thực hiện các chương trình. Tới 31/12/2022, các tỉnh trong vùng mới giải ngân 34,77% số vốn trung ương giao, (thấp hơn 2,96% so với tốc độ giải ngân trung bình cả nước). Tháng 1/ 2023, đã có 3 trong số 5 tỉnh là Kon Tum, Lâm Đồng, Đăk Nông hoàn thành phân bổ vốn của năm.
Báo cáo với Phó Thủ tướng về thực tế triển khai các chương trình, các địa phương vùng Tây Nguyên đều nêu nhiều vướng mắc, như thiếu hệ thống văn bản hướng dẫn khung từ trung ương; một số hướng dẫn, quy định đã được ban hành nhưng cách hiểu chưa thống nhất hoặc chưa phù hợp với tình hình thực tế tại khu vực Tây Nguyên và từng địa phương.
“Hiện nay, quá trình xây dựng để đồng bộ các hướng dẫn từ Chính phủ, bộ ngành và địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Thứ hai là, các tiêu chí xây dựng, có một số tiêu chí chưa thực sự phù hợp với các điều kiện kinh tế- xã hội tại Gia Lai. Vấn đề thứ ba là việc triển khai lồng ghép các nguồn vốn, tiêu chí, hướng dẫn để thực sự hiệu quả, trở thành nguồn lực phát triển kinh tế- xã hội đang còn vướng mắc" - bà Nguyễn Thị Thanh Lịch- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nói.
Từ thực tế các vướng mắc ở Tây Nguyên lãnh đạo các tỉnh đã đề xuất một số biện pháp để chính phủ xem xét. Ông Nguyễn Hữu Tháp- Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đề nghị: “Những đề xuất ở đây là sớm ban hành quy định về lồng ghép nguồn vốn trên địa bàn. Thứ hai, sớm ban hành định mức, hướng dẫn, trong đó có đất ở, đất sản xuất cho dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Trong thời gian chờ hướng dẫn cụ thể hơn, tỉnh vẫn tập trung triển khai theo kế hoạch để đảm bảo mục tiêu kết hoạch và tập trung giải ngân đảm bảo tiến độ vốn".
Sau khi nghe các địa phương báo cáo, đề xuất, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận và đánh giá cao một số phần việc mà các tỉnh Tây Nguyên đã làm được, tạo tiền đề thực hiện các phần việc tiếp theo. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương sớm hoàn thành việc giao vốn; sử dụng vốn hợp lý đối với từng chương trình; yêu cầu các cơ quan, bộ ngành trung ương thực hiện ngay việc rà soát, hoàn thiện các quy định khung còn thiếu. Về phía các địa phương,
Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy nhanh những việc đang làm; tăng cường công tác phối hợp giữa các địa phương và bộ ngành trung ương và công tác phối hợp trong các cơ quan, đơn vị của từng địa phương trong triển khai thực hiện.
“Tôi đề nghị, ở địa phương đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách các chương trình sẽ là “điều phối viên", ngồi giữa các cơ quan để có ý kiến xử lý. Với tư cách Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo trung ương, tôi sẽ là điều phối viên ngồi với các địa phương và các đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng chưa đồng thuận ý kiến, để các đồng chí mạnh dạn làm. Mong các địa phương học tập kinh nghiệm lẫn nhau, có địa phương giải ngân rất nhanh, làm rất tốt. Cũng trên mặt bằng cơ sở pháp lý đó thì về lý thuyết là họ cũng có cách làm, kinh nghiệm, cách làm nào đó mà ta phải học" - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nói.
Cuối hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu thời gian tới, Văn phòng Chính phủ tập hợp, thống kê, tham mưu Phó thủ tướng có văn bản chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện ngay các công việc cụ thể, có kèm theo thời gian báo cáo Chính phủ./.