Phụ thuộc nhiều vào thời tiết: Tây Nguyên phát triển chưa bền vững
VOV.VN - Sự phát triển kinh tế của Tây Nguyên chưa thực sự bền vững khi phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết đang có diễn biến ngày càng khó lường.
Những tháng đầu năm nay, hạn hán nghiêm trọng và giá nông sản không ổn định đã khiến nền kinh tế của các tỉnh Tây Nguyên phát triển chưa được như kỳ vọng, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Sự thất thường của thời tiết cũng cho thấy sự phát triển chưa ổn định của kinh tế Tây Nguyên.
Hạn hán ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên. (Ảnh: Internet) |
Tại Tây Nguyên, phần lớn những người trồng cây công nghiệp như ông Đức đều phải đi vay để đầu tư sản xuất. Nay thiên tai khốc liệt, nợ cũ chưa trả, nợ mới đã phát sinh vì chi phí đào giếng tìm nước và chuẩn bị vật tư chăm sóc phục hồi vườn cây.
“Gia đình vay Ngân hàng Nông nghiệp 400 triệu đồng làm 2.000 trụ tiêu và 1 ha cà phê. Nhưng hiện giờ nguồn nước tưới không có khiến tiêu chết, gia đình xin ngân hàng cho gia hạn vay, hiện tại không thể trả được nợ”, ông Đức cho biết.
Trên toàn khu vực Tây Nguyên, nắng hạn đã làm khô cháy 15.000 ha lúa, hơn 40.000 ha cà phê và hồ tiêu không còn nước tưới. Hạn hán cũng khiến hơn 30.000 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt. Bên cạnh các biện pháp chống hạn, hiện các tỉnh Tây Nguyên đang triển khai cấp 2.000 tấn gạo cứu đói cho người dân.
Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng đang trải qua hạn hán khốc liệt. Nếu không có giải pháp xử lý rủi ro thiên tai trong thời điểm này thì người dân sẽ cùng kiệt và những thành quả về mặt an sinh xã hội sẽ bị mất đi phần nào.
Trong lúc hạn hán ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên, giá cả các loại nông sản chủ lực của vùng này, là cao su, cà phê, hồ tiêu lại giảm, khiến đời sống của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp cũng khó khăn hơn.
Hệ lụy là tổng thu ngân sách toàn vùng trong quý 1 được 3.200 tỷ đồng, chưa đạt 20% kế hoạch năm nay, và tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái. Điển hình như tại Đăk Lăk - địa phương có số thu lớn nhất vùng Tây Nguyên, trong quý 1 thu ngân sách được 854 tỷ đồng, nhỉnh hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chỉ đạt 20% chỉ tiêu kế hoạch năm nay.
Ông Bùi Văn Chuẩn, Phó cục trưởng Cục thuế tỉnh Đăk Lăk phân tích: “Đăk Lăk và các tỉnh Tây Nguyên đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, do hạn hán tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp và thủy điện, nhiều thủy điện đã phải ngừng phát điện. Bên cạnh đó, giá cả một số mặt hàng chủ lực của tỉnh như cao su, cà phê, hồ tiêu tiếp tục giảm sâu; nhiều doanh nghiệp rất khó khăn về tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh cầm chừng. Đầu tư công phát sinh rất ít, các nguồn vốn đầu tư chỉ dành cho trả nợ, vì vậy nguồn thu phí và thuế năm 2016 không phát sinh như dự báo”.
Điểm sáng duy nhất trong bức tranh kinh tế đầu năm 2016 của khu vực Tây Nguyên là lĩnh vực du lịch có sự tăng trưởng khá. Thống kê từ các tỉnh cho thấy, lượng khách du lịch đến Tây Nguyên tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều này được lý giải vì đây là thời điểm diễn ra nhiều hoạt động văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa, gắn với các sự kiện du lịch văn hóa thể thao đầu năm. Như với tỉnh Lâm Đồng, mặc dù xảy ra tai nạn tại các điểm du lịch đã làm 4 du khách nước ngoài thiệt mạng, nhưng lượng du khách đến tỉnh này vẫn tăng mạnh, doanh thu du lịch ước đạt gần 2400 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Lâm Đồng cho biết, sau những sự cố xảy ra, qua công tác chấn chỉnh, hoạt động du lịch tại Lâm Đồng đã trở lại bình thường, lượng du khách ngày càng tăng. Hiện nay ngành du lịch của tỉnh cũng đã dự thảo một quy định tạm thời đối với các hoạt động thể thao dã ngoại để đưa vào quản lý đảm bảo an toàn.
“Sở cũng đã kiến nghị với Bộ VH,TT&DL sớm có những văn bản quy định, hướng dẫn đối với những loại hình hoạt động này. Đồng thời, Sở đã phối hợp với các ngành, chỉ đạo tăng cường các hoạt động văn hóa thể thao, các chương trình thu hút khách, tạo điều kiện tốt nhất cho khách đến với Lâm Đồng tham quan thưởng ngoạn”, bà Nguyên cho biết.
Du lịch là thế mạnh của vùng Tây Nguyên, nhưng chủ yếu là dựa vào khai thác yếu tố tự nhiên do vị trí địa lý địa hình mang lại, mà chưa được đầu tư tương xứng.
Có thể nói, sự phát triển kinh tế của Tây Nguyên chưa thực sự bền vững, và vẫn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Thời tiết diễn biến ngày càng khó lường. Vùng này cần có những định hướng và đầu tư toàn diện hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch, để có được sự phát triển bền vững./.