PMI ngành sản xuất Việt Nam giảm sút trở lại
(VOV) -Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam giảm từ mức 50,1 điểm của tháng 1 xuống 48,3 điểm trong tháng 2.
Theo Ngân hàng HSBC, sau khi điều chỉnh các yếu tố mùa vụ, gồm kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chỉ số Nhà Quản trị mua hàng PMI ngành sản xuất Việt Nam của HSBC giảm từ mức 50,1 điểm của tháng 1 xuống 48,3 điểm trong tháng 2.
Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (Purchasing Managers’ Index™ - PMI™) là một chỉ số tổng hợp dựa vào 5 trong số các chỉ số riêng biệt với những trọng số sau: Đơn đặt hàng mới - 0,3, Sản lượng - 0,25, Việc làm - 0,2, Thời gian giao hàng của nhà cung cấp - 0,15, Tồn kho các mặt hàng đã mua - 0,1 cùng với chỉ số Thời gian giao hàng được đảo ngược để chỉ số biến động theo hướng có thể so sánh.
Các chỉ số khuynh hướng có những đặc tính của các thông số chỉ thị hàng đầu và là những thước đo tổng hợp thuận tiện cho thấy chiều hướng thay đổi chủ đạo. Một chỉ số đạt mức 50 điểm cho biết mức tăng tổng thể của chỉ số đó, dưới 50 điểm là một mức giảm tổng thể.
Một số báo cáo cũng cho rằng số lượng đơn đặt hàng đã giảm do một số khách hàng đang nắm giữ lượng hàng tồn kho vượt mức. Lượng công việc mới đã giảm từ cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã giảm tháng thứ 10 liên tiếp, nhưng tốc độ giảm đã chậm lại ở mức thấp của 6 tháng.
Kết quả hoạt động yếu kém gần đây của lĩnh vực sản xuất đã ảnh hưởng tới thị trường lao động, với số lượng việc làm ngành sản xuất giảm lần đầu tiên trong 5 tháng qua. Mặc dù tốc độ giảm nhìn chung khá nhẹ nhưng vẫn là mạnh nhất kể từ tháng 7/2012. Các công ty cũng cho rằng nhu cầu về việc làm thấp hơn là do họ muốn kiểm soát chi phí.
Năng lực sản xuất của lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã gia tăng, nhờ đó lượng công việc tồn đọng đã tiếp tục giảm trong tháng 2. Lượng công việc chưa thực hiện đã giảm trong tất cả 11 tháng qua.
Dữ liệu tháng 2 cho thấy, chi phí mua hàng trung bình tăng tháng thứ 2 liên tiếp. Các công ty cho biết họ đã phải trả chi phí cao hơn cho một số mặt hàng nguyên liệu thô, kể cả kim loại và lương thực thực phẩm. Do đó, các nhà sản xuất đã điều chỉnh giá bán hàng cao hơn để phản ánh một phần chi phí gia tăng. Giá xuất xưởng đã tăng lần đầu tiên trong muời tháng qua.
Trong tháng 2, các nhà sản xuất đã duy trì quan điểm thận trọng chi phí trong các quyết định mua hàng và lưu kho. Yêu cầu sản xuất thấp hơn dẫn đến lượng mua hàng hóa đầu vào giảm nhẹ, và đây là lần giảm đầu tiên trong 4 tháng qua. Trong khi đó, tồn kho hàng mua và hàng thành phẩm đã giảm mạnh trong kỳ khảo sát mới nhất với tốc độ giảm trong cả hai trường hợp là nhanh nhất kể từ khi quá trình thu thập dữ liệu bắt đầu vào tháng 4/2011. Hiệu suất trung bình của người bán hàng cũng đã suy giảm nhẹ, phản ánh việc người bán hàng thiếu hụt một số loại nguyên liệu thô.
Chuyên viên kinh tế Trinh Nguyen của Ngân hàng HSBC bình luận: “Việc giảm sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới cho thấy quá trình phục hồi vẫn còn rất khó khăn. Trong khi Tết Nguyên đán được coi là một phần nguyên nhân thì quá trình giảm vay nợ đang diễn ra tiếp tục làm suy yếu nhu cầu nội địa. Mặc dù tốc độ suy giảm nhu cầu ở nước ngoài chậm lại cho thấy điều tồi tệ có thể đã qua nhưng hiện tượng việc làm suy giảm lại cho thấy thị trường trong nước tiếp tục suy yếu. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết có thể sẽ xem xét giảm lãi suất hơn nữa. Tuy nhiên, với tình trạng giá cả đầu vào gia tăng và lạm phát cơ bản vẫn leo thang thì Ngân hàng Nhà nước còn có rất ít khả năng để thực thi được việc này"./.