"Quản lý đường sắt quốc gia, đô thị, chuyên dụng phải thống nhất"
VOV.VN - Chiều 11/2, tại cuộc họp về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, dự luật phải xác định những định hướng 50-100 năm; dứt khoát bỏ tư duy "không quản được thì cấm, không biết mà vẫn quản"; không đưa vào luật những nội dung quá cụ thể, mang tính kỹ thuật.
Xác định rõ phạm vi, tránh chồng chéo với các luật liên quan
Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) gồm 8 Chương, 74 Điều; giảm 2 Chương và 11 điều so với Luật Đường sắt năm 2017. Về một số nội dung điều chỉnh, bổ sung lớn, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết, dự luật bổ sung quy định về đầu tư xây dựng đường sắt vùng, đường sắt nội tỉnh nhằm huy động nguồn lực của địa phương cho việc phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt và quy định việc quản lý, bảo trì, khai thác đối với các loại hình đường sắt này; khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt để phát triển các khu đô thị, dịch vụ thương mại... nhằm mở ra không gian mới cho phát triển kinh tế và tạo ra nguồn lực từ khai thác quỹ đất, tối ưu hóa nhu cầu đi lại.
![quản lý đường sắt quốc gia, đô thị, chuyên dụng phải thống nhất hình ảnh 1 quan ly duong sat quoc gia, do thi, chuyen dung phai thong nhat hinh anh 1](https://media.vov.vn/sites/default/files/styles/large_watermark/public/2025-02/vov_tran_hong_ha_2.jpg)
Dự luật quy định việc đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật đấu nối với công trình đường sắt và sử dụng chung với đường sắt nhằm khai thác hiệu quả kết cầu hạ tầng đường sắt; yêu cầu ràng buộc về kết nối đường sắt với trung tâm các đô thị lớn, cảng biển, cảng hàng không và kết nối đường sắt với các phương thức vận tải hành khách công cộng tại các trung tâm đô thị nhằm gom và giải tỏa hành khách.
Dự luật cũng quy định cơ chế triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác các tuyến đường sắt nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và nâng cao hiệu quả khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt; đặt hàng, giao nhiệm vụ cho tổ chức, doanh nghiệp trong nước thực hiện một số nhiệm vụ có tính chiến lược, làm tiền đề để phát triển công nghiệp đường sắt; ràng buộc về chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho đối tác Việt Nam để làm chủ công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì và những ưu đãi, hỗ trợ cụ thể cho tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp đường sắt.
Trong khi đó, một số quy định đã được quy định tại pháp luật khác có liên quan đến hoạt động đường sắt cần đưa ra khỏi Luật nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật như quy định về: vận tải động vật sống, hợp đồng vận tải hành khách, hành lý và hợp đồng vận tải; quản lý, sử dụng nguồn thu từ phí, giá cho thuê hoặc chuyển nhượng có thời hạn tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư.
Các ý kiến cho rằng, dự luật cần xác định rõ phạm vi điều chỉnh, đồng thời rà soát, tránh chồng chéo với các luật liên quan (đấu thầu, quản lý tài sản công, đất đai, ngân sách, khoa học công nghệ…) khi xử lý khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đường sắt; chỉ quy định nguyên tắc, và sẽ được chi tiết hoá trong các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư; chú trọng đến hoạt động vận tải đường sắt, an toàn đường sắt; bảo đảm tính đồng bộ giữa quy hoạch đường sắt với quy hoạch quốc gia, vùng, địa phương…
Trong dự thảo luật, một số quy định còn mang tính chi tiết kỹ thuật chuyên ngành không thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên cần điều chỉnh theo hướng giao Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định như: yêu cầu kỹ thuật ga đường sắt, các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, quy tắc giao thông đường sắt, điều hành giao thông vận tải đường sắt, biểu đồ chạy tàu... để bảo đảm tính linh hoạt trong quá trình áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài ra, quy định tại một số điều, khoản tại chương về đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao còn trùng lặp về nội dung, chưa rõ nội hàm và cần phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đánh giá, dự luật đã đẩy mạnh, quy định rõ phân cấp, phân quyền từ Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng, từ Trung ương cho địa phương sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong phát triển hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng, đường sắt địa phương.
Bảo đảm tính đồng bộ, tổng thể của hệ thống đường sắt
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, Luật Đường sắt (sửa đổi) phải có tính kế thừa, học hỏi kinh nghiệm các nước có ngành đường sắt phát triển, thể chế hoá các cơ chế, chính sách giúp công tác xây dựng, vận hành, quản lý hệ thống đường sắt của đất nước phục vụ tốt nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Theo Phó Thủ tướng, dự luật phải xác định rõ phạm vi, nội hàm, mục tiêu xuyên suốt trong quá trình xây dựng từ khâu lập chiến lược, quy hoạch đến xây dựng, vận hành, quản lý hạ tầng, phương tiện, duy tu, bảo dưỡng,… phân định với những vướng mắc chung liên quan đến thu hút đầu tư, cơ chế chính sách đặc thù liên quan đến vốn, đất đai… đã được quy định, điều chỉnh trong các luật, văn bản pháp luật chuyên ngành.
Phó Thủ tướng lưu ý, công tác quản lý đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dụng phải thống nhất: “Luật cần làm rõ lĩnh vực nào quản lý thống nhất trên phạm vi quốc gia, những vấn đề phân cấp cho địa phương. Bảo đảm tính đồng bộ, tổng thể của hệ thống đường sắt quốc gia kết nối với quốc tế, kết nối giữa các địa phương cũng như với các phương thức vận tải khác. Cùng với công cụ quy hoạch, thì cần chỉ rõ vai trò, trách nhiệm của Chính phủ, bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp. Luật cần có quy định về nguyên tắc đối với phát triển hệ thống hạ tầng đường sắt (hành lang an toàn, ga dừng đỗ, hệ thống phụ trợ kèm theo…), sau đó cụ thể, chi tiết hoá trong các văn bản dưới luật”.
![quản lý đường sắt quốc gia, đô thị, chuyên dụng phải thống nhất hình ảnh 2 quan ly duong sat quoc gia, do thi, chuyen dung phai thong nhat hinh anh 2](https://media.vov.vn/sites/default/files/styles/large_watermark/public/2025-02/vov_tran_hong_ha_1.jpg)
Nhấn mạnh tầm quan trọng của an toàn đường sắt, Phó Thủ tướng đề nghị quy định rõ trách nhiệm trong quy hoạch, phát triển hạ tầng, hệ thống thông tin tín hiệu, trách nhiệm của các chủ thể tham gia… và tiếp tục được cụ thể bằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đòng thời có lực lượng, cơ chế, chính sách để bảo vệ các công trình đường sắt.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về quy định đối với doanh nghiệp quản lý, vận hành, khai thác, kinh doanh, duy tu, bảo trì… phải tính đến đặc thù của lĩnh vực đường sắt; phân biệt về công nghệ, phương thức kết nối giữa đường sắt tốc độ cao với đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dụng; định hướng phát triển công nghiệp đường sắt (công nghệ, đào tạo nhân lực)…
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc thay đổi cơ bản tư duy quản lý đường sắt một cách toàn diện, đồng bộ, tiên tiến và đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành đường sắt trong hiện tại và tương lai. Theo đó, quá trình xây dựng, hoàn thiện dự luật cần tiếp cận, tham khảo kinh nghiệm về phương thức đầu tư, công nghệ, quản lý từ các quốc gia đã phát triển đường sắt hàng trăm năm cho đến những quốc gia hình thành mạng lưới đường sắt tốc độ cao chỉ trong vài chục năm.