Quản lý tiền điện tử để ngăn chặn những người “bán trời không văn tự“
VOV.VN - Tiền điện tử dù chưa được công nhận tại Việt Nam nhưng những hệ lụy bước đầu đang đặt ra thách thức lớn cho các cơ quan chức năng.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ Blockchain được coi là nền tảng cho việc chuyển đổi số. Với khả năng chia sẻ thông tin dữ liệu minh bạch theo thời gian thực, tiết kiệm không gian lưu trữ và bảo mật cao… công nghệ Blockchain còn được sử dụng để quản lý quá trình tìm kiếm tiền mã hoá (hay còn gọi là tiền điện tử, tiền kỹ thuật số, tiền ảo...).
Quản lý tiền điện tử đang đặt ra nhiều thách thức lớn cho cơ quan chức năng. (Ảnh minh họa: KT). |
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của không ít người, cộng thêm hành lang pháp lý quản lý tiền ảo chưa có, thời gian qua báo chí phát hiện không ít các công ty đưa chiêu thức đầu tư đa cấp vào tiền ảo.
Mới đây nhất vụ việc lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng của Công ty Cổ phần Modern Tech, khi đưa chiêu thức đầu tư đa cấp vào iFan và Pincoin, một lần nữa cho thấy cần phải quản lý tiền ảo để ngăn chặn những kẻ "bán trời không văn tự".
Dựa vào việc giới thiệu hệ thống V-Fan, "lãnh đạo" Công ty cổ phần Modern Tech đã giới thiệu một nền tảng bán nội dung giải trí, để tiêu thụ đồng tiền số là iFan. Ngày 8/4 vừa qua, những người tham gia đã giăng biểu ngữ tố cáo hệ thống này chiếm đoạt 15.000 tỷ đồng.
Hiện nay tuy chưa có kết luận chính thức của công an TPHCM về việc các hệ thống này có liên quan đến nhau hay không, cũng như đại diện các đơn vị này có hợp tác với nhau thực hiện hành vi lừa đảo hay không… nhưng sau khi huy động vốn thành công, công ty này bất ngờ tuyên bố "Dự án iFan" thất bại.
Theo ông Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech, giống như chứng khoán, nhà đầu tư chỉ nên tham gia nếu có hiểu biết và thực sự tin tưởng, chứ đừng nhắm mắt đầu tư theo phong trào.
"Cần phải nhớ rằng sự lên xuống của chứng khoán còn được Nhà nước bảo hộ quyền lợi của nhà đầu tư. Đối với tiền ảo Ngân hàng Nhà nước không công nhận là một đơn vị thanh toán trong nền kinh tế quốc dân tại Việt Nam. Chính vì vậy, việc đầu tư tiền ảo là rất rủi ro cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư", ông Nguyễn Hòa Bình phân tích.
Nhờ có công nghệ Blockchain, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, có một loại tài sản không chịu sự chi phối của bất kỳ chính phủ nào. Mỗi quốc gia đang xây dựng hành lang pháp lý khác nhau về Bitcoin nói riêng, tiền mã hoá nói chung dù không ít lần chịu sự thiệt hại khi các sàn giao dịch bị "sập".
Ông Vương Quang Long, Giám đốc Điều hành Công ty TomoChain. |
Theo giới chuyên gia, chừng nào chưa có hành lang pháp lý quản lý tiền ảo cũng như chưa đồng bộ với các giải pháp chính sách quản lý công nghệ Blockchain, thì những vụ việc "làm giàu bất chính" của những kẻ lợi dụng công nghệ Blockchain kinh doanh tiền ảo tương tự như iFan sẽ còn tiếp diễn và quy mô còn khủng khiếp hơn.
Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ mới đây cũng nêu rõ: Hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO), đặc biệt là hoạt động sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đển sự ổn định của thị trường tài chính, trật tự an toàn xã hội và có thể gây rủi ro.
Chỉ thị yêu cầu các đơn vị như Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Công Thương, cùng các tỉnh, thành phố… khẩn trương đề xuất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý tiền ảo, tài sản ảo.
Đặc biệt, tăng cường phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi phạm pháp liên quan tới hoạt động tiền ảo, kinh doanh theo phương thứ đa cấp, lừa đảo trên mạng internet qua tiền ảo hoặc mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản, gây nhiều rủi ro cho xã hội./.
Cấm các ngân hàng thực hiện giao dịch liên quan tiền ảo
Người bị tố cầm đầu iFan tuyên bố không liên quan đến lừa đảo tiền ảo