Quảng Nam: Triển vọng mới từ phát triển kinh tế biển
VOV.VN - Nhiều chuyên gia nhận định, kinh tế biển tại Quảng Nam nói riêng khu vực miền Trung nói chung còn khá mờ nhạt, chủ yếu dựa vào du lịch và vận tải đường biển chứ chưa phát triển xứng tầm về công nghiệp biển, đây là con đường mà nhiều nước trên thế giới lựa chọn để tiến ra biển.
Tỉnh Quảng Nam sở hữu bờ biển dài 125km cùng tiềm năng to lớn có thể làm giàu từ biển. Địa phương này đã huy động các nguồn lực, thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch biển, vận tải đường biển, công nghiệp ven biển với định hướng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực. Tỉnh Quảng Nam xác định đưa kinh tế biển và vùng ven biển giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam hiện có 44 tàu cá đánh bắt xa bờ, tổng công suất 42.500CV, trong đó có 30 tàu chuyên nghề câu mực. Đây là đội tàu xa bờ lớn nhất tại huyện Núi Thành. Tất cả tàu cá trong đội đều sử dụng máy thông tin liên lạc sóng ngắn, tầm trung, tầm xa, định vị vệ tinh, máy tầm ngư, thiết bị giám sát hành trình và các thiết bị bảo quản sản phẩm.
Mới đây, tàu câu mực khơi QNa-91468 của ngư dân Hoàng Triệu Vỹ, trú thôn Đông An, xã Tam Giang cùng 43 bạn biển, cập bờ sau chuyến biển ở ngư trường Trường Sa hơn 2 tháng. Sản lượng đánh bắt chuyến này đạt 40 tấn mực khô, bán được gần 4 tỷ đồng. Ngư dân Hoàng Triệu Vỹ cho biết, tàu cá vươn khơi với các thiết bị hiện đại, ngư dân được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật giúp họ tự tin khi đánh bắt trên biển.
“Cùng với sự hỗ trợ của các lực lượng chức năng, anh em trong Nghiệp đoàn ra khơi đánh bắt dài ngày trên biển luôn đoàn kết gắn bó với nhau, hỗ trợ lẫn nhau, nhờ vậy nghiệp đoàn luôn làm ăn có hiệu quả”- ngư dân Hoàng Triệu Vỹ cho biết thêm.
Huyện Núi Thành là địa phương trọng điểm nghề cá của tỉnh Quảng Nam. Từ năm 2024, ngư dân tại đây không phát triển thêm tàu thuyền công suất nhỏ, hoạt động ngắn ngày. Đa số ngư dân nâng cấp tàu có công suất lớn từ 1.000 CV trở lên, thiết bị đi biển hiện đại. Năm 2024, sản lượng khai thác hải sản của ngư dân đạt hơn 47 nghìn tấn, vượt sản lượng năm 2023.
Huyện Núi Thành có chiều dài bờ biển gần 40 km, hiện có 2 cảng biển lớn là Cảng Chu Lai và Cảng Kỳ Hà; 2 cửa biển An Hòa và Cửa Lở; có khu neo đậu tàu cá An Hòa cùng cơ sở hạ tầng đồng bộ. Núi Thành hiện có 1.929 tàu thuyền với hơn 9.000 lao động tham gia đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, địa phương xác định kinh tế biển là hướng phát triển mũi nhọn.
“Từ các dự án về vận tải biển, cảng biển, hệ thống hạ tầng hậu cần nghề cá, rồi khu neo đậu tránh trú bão, cảng cá và các giải pháp phát triển ngành thủy sản là các nội dung mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Núi Thành đặt ra để quan tâm đầu tư hơn nữa, phát triển kinh tế biển”- ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành nhấn mạnh.
Những năm qua, tỉnh Quảng Nam tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ phát triển nghề cá bền vững, phát triển du lịch biển, vận tải đường biển và công nghiệp ven biển. Trong quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam, Chính phủ đã xác định, phát triển hệ thống cảng biển tỉnh Quảng Nam nằm trong nhóm cảng biển Trung Trung bộ. Hiện, Bộ Giao thông - Vận tải đang thực hiện quy hoạch chi tiết, trong đó xác định lập đề án đầu tư luồng Cửa Lở tại huyện Núi Thành có thể đón tàu 5 vạn tấn. Cùng với đó là hệ thống bến, kho bãi, hệ thống dịch vụ phục vụ.
Hiện nhiều vị trí tuyến luồng Cửa Lở và luồng vào Cảng Kỳ Hà tại huyện Núi Thành đã bị bồi lấp nghiêm trọng, không đảm bảo độ sâu an toàn cho tàu có tải trọng lớn ra vào cảng. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn THACO cho rằng, quy hoạch tỉnh Quảng Nam vừa mới công bố đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hình thành trung tâm logistic là rất khả thi, nhất là khi tuyến Cửa Lở và luồng vào Cảng Kỳ Hà tại huyện Núi Thành được đầu tư, hoàn thiện sớm. Đến lúc đó, các tàu lớn chở hàng sẽ cập cảng dễ dàng, giảm được chi phí logistic.
“Trong quy hoạch chỉ ra là năm 2030 sẽ hình thành trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ gắn với dịch vụ hậu cần, logistic. Nhưng chúng tôi quyết tâm hình thành trung tâm này vào năm 2027 theo chiến lược 5 năm (2022-2027) của tập đoàn. Tức là sẽ sớm hơn 3 năm so với mục tiêu của tỉnh đề ra”- ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn THACO cho biết.
Nhiều ý kiến cho rằng, dịch vụ logistic tại tỉnh Quảng Nam hiện chưa xứng tầm vì chưa có một cảng nước sâu, chưa có một khu hậu cần cảng lớn. Nếu đầu tư hệ thống luồng, kho bãi, hệ thống dịch vụ thu hút các luồng hàng và chủ động trong tổ chức các chân hàng của Tập đoàn THACO, trong tương lai không xa, tỉnh Quảng Nam sẽ trở thành trung tâm phát triển cảng lớn của khu vực miền Trung.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong định hướng phát triển kinh tế biển, tỉnh Quảng Nam cần tăng cường mối liên kết giữa phía Bắc Quảng Nam là trung tâm du lịch và phía Nam Quảng Nam với Khu công nghiệp Chu Lai. Khu vực ở giữa là một dải ven biển rộng lớn với tiềm năng phát triển chuỗi đô thị du lịch và khu kinh tế ven biển cần được mở rộng không gian phát triển dựa trên quy hoạch chiến lược và xu thế phát triển bền vững.
“Cảng Kỳ Hà hiện nay đã tạo lập được hậu phương công nghiệp, hậu phương kinh tế. Logistic tại đây nếu định hình được thì sẽ là trung tâm cho cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, một nút then chốt của chuỗi nông sản, tức là mở cả một không gian phát triển, lôi kéo cả lôi kéo cả khu vực Tây Nguyên và Campuchia, Lào vào đây”- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên phân tích.
Nhiều chuyên gia nhận định, kinh tế biển tại tỉnh Quảng Nam nói riêng khu vực miền Trung nói chung còn khá mờ nhạt, chủ yếu dựa vào du lịch và vận tải đường biển chứ chưa phát triển xứng tầm về công nghiệp biển, đây là con đường mà nhiều nước trên thế giới lựa chọn để tiến ra biển.
Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất chủ trương lập đề án xã hội hóa đầu tư luồng Cửa Lở cho tàu 5 vạn DWT, quy hoạch trung tâm logistic container và đầu tư phát triển Cảng hàng không quốc tế Chu Lai... tại huyện Núi Thành.
Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, mới đây UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ cho chủ trương xã hội hoá thực hiện dự án nạo vét tuyến luồng hàng hải Kỳ Hà. Sau khi hệ thống hạ tầng này được đầu tư đồng bộ, tỉnh Quảng Nam sẽ trở thành tỉnh công nghiệp phát triển và mạnh về kinh tế biển.
“Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta đầu tư được hệ thống Cảng Kỳ Hà hiện đại như kỳ vọng , cùng với đó, sân bay Chu Lai cũng được đầu tư thì trong tương lai không xa, Quảng Nam sẽ trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Thu ngân sách của tỉnh Quảng Nam khi đó sẽ không dừng lại ở con số 33.000 tỷ như năm 2022 mà tôi nghĩ rằng thu ngân sách hàng năm của tỉnh sẽ tăng gấp đôi số đó vào những năm tiếp theo”- ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam kỳ vọng.