Quy định chế độ tài chính của tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài
VOV.VN - Nghị định 93/2017/NĐ-CP quy định về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 93/2017/NĐ-CP quy định về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổ chức tín dụng có vốn nhà nước.
Ảnh minh họa: KT.
Nguyên tắc quản lý tài chính
Nghị định quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự chủ về tài chính, tự chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ và các cam kết của mình theo quy định của pháp luật.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện công khai tài chính theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và quy định của pháp luật khác có liên quan.
Vốn hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gồm vốn chủ sở hữu, vốn huy động và vốn khác theo quy định của pháp luật. Trong đó, vốn chủ sở hữu gồm: Vốn điều lệ hoặc vốn được cấp; các khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản, chênh lệch tỷ giá; thặng dư vốn cổ phần; các quỹ (Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự phòng tài chính); lợi nhuận lũy kế chưa phân phối, lỗ lũy kế chưa xử lý; vốn khác thuộc sở hữu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Vốn huy động gồm: Vốn huy động tiền gửi của các tổ chức và cá nhân; vốn huy động thông qua phát hành các loại giấy tờ có giá; vốn nhận ủy thác đầu tư; vốn vay các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính trong nước và ngoài nước; vốn vay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Nghị định quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng vốn hoạt động để kinh doanh theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và các quy định của pháp luật khác có liên quan, đảm bảo nguyên tắc an toàn và phát triển vốn.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quyền thay đổi cơ cấu vốn, tài sản phục vụ cho việc phát triển hoạt động kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.
Tổ chức tín dụng được mua, đầu tư vào tài sản cố định phục vụ trực tiếp cho hoạt động theo nguyên tắc giá trị còn lại của tài sản cố định không vượt quá 50% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ ghi trên sổ sách kế toán.
Doanh thu kinh doanh
Doanh thu từ hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm:
1- Thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự: Thu lãi tiền gửi, thu lãi cho vay, thu lãi từ kinh doanh, đầu tư chứng khoán nợ, thu từ nghiệp vụ bảo lãnh, thu lãi cho thuê tài chính, thu lãi từ nghiệp vụ mua bán nợ, thu khác từ hoạt động tín dụng;
2- Thu nhập từ hoạt động dịch vụ: Thu từ dịch vụ thanh toán; thu từ dịch vụ ngân quỹ; thu từ nghiệp vụ ủy thác và đại lý; thu từ hoạt động dịch vụ khác;
3- Thu từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng: Thu từ kinh doanh ngoại tệ; thu lãi chênh lệch tỷ giá; thu từ kinh doanh vàng; thu từ các công cụ tài chính phái sinh tiền tệ;
4- Thu từ hoạt động kinh doanh chứng khoán (trừ cổ phiếu);
5- Thu từ hoạt động góp vốn, chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần;
6- Thu từ hoạt động khác: Thu từ các khoản nợ đã xử lý bằng quỹ dự phòng rủi ro (bao gồm cả các khoản nợ đã được xóa nay đòi được); thu từ các công cụ tài chính phái sinh khác; thu từ nghiệp vụ mua bán nợ; thu từ chuyển nhượng, thanh lý tài sản; thu từ hoàn nhập dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn; thu từ hoạt động khác theo quy định của pháp luật;
7- Thu nhập khác theo quy định của pháp luật.
Các khoản thu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được xác định phù hợp với các chuẩn mực kế toán Việt Nam và các quy định của pháp luật có liên quan, có hóa đơn hoặc chứng từ hợp lệ và phải được hạch toán đầy đủ vào doanh thu./.