Quy mô thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam đạt mức cao mới trong tháng 11
VOV.VN - Dữ liệu của Hải quan Trung Quốc công bố cho thấy, xuất nhập khẩu giữa hai nước Việt – Trung tăng trưởng ổn định trong 11 tháng năm nay, trong đó quy mô thương mại trong tháng 11 đạt mức cao mới.
Trang web của Tổng cục Hải quan Trung Quốc dẫn số liệu thống kê của cơ quan này cho biết, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc trong 11 tháng năm nay là 1.450 tỷ nhân dân tệ (202 tỷ USD), tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 25% thương mại giữa nước này với ASEAN. Trong đó, xuất nhập khẩu hai nước trong tháng 11 đạt 161,92 tỷ nhân dân tệ (22,6 tỷ USD), tăng 12,5%, quy mô đạt mức cao kỷ lục theo tháng.
Hải quan Trung Quốc đánh giá, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc liên tục duy trì đà phát triển tốt. Kể từ năm 2016, Việt Nam luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Trong những năm gần đây, hợp tác chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng giữa hai nước ngày càng trở nên chặt chẽ. 11 tháng qua, xuất nhập khẩu sản phẩm trung gian giữa hai bên đạt 1.010 tỷ nhân dân tệ (140,7 tỷ USD), chiếm 69,8% thương mại song phương.
Không gian hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn rộng lớn, quy mô xuất nhập khẩu nông sản tiếp tục được mở rộng. 11 tháng qua, Trung Quốc nhập khẩu 44,62 tỷ nhân dân tệ (6,2 tỷ USD) nông sản Việt, tăng 20,3%. Trong đó, các mặt hàng mới được nhập khẩu chính ngạch trong năm 2022 như sầu riêng tươi, khoai lang tươi và tổ yến có tổng kim ngạch đạt 14,65 tỷ nhân dân tệ (hơn 2 tỷ USD), chiếm 32,8% lượng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam trong cùng thời kỳ.
Kinh tế phục hồi sau đại dịch cũng kéo theo sự phục hồi tăng trưởng của thương mại biên giới giữa hai nước. Theo hải quan Trung Quốc, 11 tháng năm nay, xuất nhập khẩu giữa hai nước bằng hình thức tiểu ngạch và các cặp chợ biên giới đã đạt 118,58 tỷ nhân dân tệ (16,5 tỷ USD), tăng 35,1%, đóng góp 2,2 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu giữa hai bên. Trong đó, thương mại biên giới giữa Việt Nam với hai địa phương giáp biên của Trung Quốc là Quảng Tây và Vân Nam phục hồi nhanh chóng, với tốc độ tăng trưởng lần lượt là 34,4% và 65,6%.