Xuất khẩu hơn 2 tỷ USD sang Trung Quốc, sầu riêng Việt vẫn “không đủ để bán”
VOV.VN - Sầu riêng Việt đang có lợi thế về thời gian vận chuyển và đảm bảo độ tươi, mùa thu hoạch xuyên suốt cả năm; công tác triển khai đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở bao gói và hướng dẫn các quy định, yêu cầu, tiêu chuẩn nhập khẩu...tiến hành nhanh.
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2023 xuất khẩu rau quả của Việt Nam dự kiến sẽ đạt từ 5,5 - 5,6 tỷ USD, mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu đứng đầu, trong đó riêng sầu riêng đang hướng tới mốc 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa thấm vào đâu tại thị trường tỷ dân.
“Cung vượt xa cầu, không đủ hàng để bán”
Đó là những khẳng định đầu tiên của bà Lưu Vận Điền (Liu Yuntian), Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Phát triển Công nghệ Yun Tian Liangpin Bắc Kinh khi trao đổi với phóng viên VOV về nhu cầu nhập khẩu sẩu riêng tươi của công ty.
Là một trong những doanh nhân nhập nhiều hoa quả Việt Nam nhất ở chợ đầu mối Tân Phát Địa, bà Điền cho biết, nếu như năm 2022, công ty bà nhập khoảng 1.000 container sầu riêng, năm nay con số này đã tăng thêm hơn 300 container và hầu hết đến từ Việt Nam. “Chúng tôi đã nhập khẩu sầu riêng của Malaysia và Thái Lan ngay từ khi mặt hàng này được phép vào Trung Quốc. Số lượng khoảng 1.000 container mỗi năm. Từ năm ngoái, sầu riêng Việt Nam bắt đầu được nhập chính ngạch vào Trung Quốc với số lượng tăng dần. Bất cứ sản phẩm gì nhập về cơ bản đều không đủ để bán. Có thể thấy, nhu cầu tiêu dùng sầu riêng của Trung Quốc liên tục tăng, cả về giá lẫn số lượng và hàng đưa về là bán hết ngay”, bà Điền kể.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, với kim ngạch hơn 2,1 tỉ USD, sầu riêng đã trở thành loại trái cây có trị giá xuất khẩu lớn nhất ngành hàng rau quả trong 11 tháng 2023. Phần lớn trong số đó xuất sang thị trường Trung Quốc. Có dự đoán cho rằng, xuất khẩu sẩu riêng sang thị trường tỷ dân có thể đạt tới 2,5 tỷ USD ngay trong năm đầu tiên xuất chính ngạch.
Hiệp hội này dẫn dữ liệu từ hải quan Trung Quốc cho biết thêm, trong 10 tháng năm 2023, nước này đã nhập khẩu gần 1,359 triệu tấn sầu riêng với tổng giá trị gần 6,4 tỉ USD, tăng hơn 88% về lượng và 81% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Thái Lan vẫn là nguồn cung sầu riêng lớn nhất ở thị trường Trung Quốc với số lượng đạt hơn 904.000 tấn, tăng 27,7%, giá trị hơn 4,4 tỉ USD. Việt Nam là nguồn cung lớn thứ 2, với sản lượng đạt gần 451.609 tấn, tăng 3.190%; giá trị đạt gần 1,9 tỉ USD, tăng hơn 3.101% so với cùng kỳ năm trước.
Để có được thành tích này, theo ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, nhu cầu của thị trường này rất lớn với sự tăng trưởng đều và mạnh mẽ. Chưa có nhiều quốc gia được mở cửa thị trường sầu riêng tươi tại Trung Quốc, trong khi sầu riêng Việt có lợi thế về thời gian vận chuyển và đảm bảo độ tươi, mùa thu hoạch xuyên suốt cả năm; công tác triển khai đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở bao gói và hướng dẫn các quy định, yêu cầu, tiêu chuẩn nhập khẩu...tiến hành nhanh; công tác xúc tiến thương mại, quảng bá được triển khai kịp thời.
Tuy nhiên, có một thực trạng là sầu riêng Việt chưa có thương hiệu và chưa phải là mặt hàng được biết nhiều tại thị trường Trung Quốc. Anh Bạch, người đã có 6 năm buôn bán loại quả “vua” này cho biết, sầu riêng Thái Lan vẫn được biết đến nhiều nhất ở Trung Quốc bởi độ ngọt và hạt nhỏ.
“Hiện chúng tôi bán sầu riêng nhập từ 4 nước Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, và Philippines. Điều khác biệt là giống sầu riêng Musang King của Malaysia có màu đẹp nhất, tiếp đến là Monthong của Thái Lan, sau đó đến sầu riêng Việt Nam và Puyat của Philippines. Về giá cả, sầu riêng Philippines là loại rẻ nhất”, anh Bạch chia sẻ.
Làm tốt khâu chất lượng và phân loại sầu riêng
Để sầu riêng Việt Nam chiếm lĩnh được thị trường tỷ dân, theo bà Lưu Vận Điền, điều quan trọng nhất vẫn là làm tốt khâu chất lượng và phân loại, bởi đây chính là điều mà Thái Lan đang tập trung cải thiện. “Người Trung Quốc rất thích ăn hoa quả ngọt. Sau khi sầu riêng Việt Nam vào thị trường Trung Quốc, chất lượng sầu riêng Thái Lan cũng đã được tăng lên. Độ chín, hàm lượng đường, kể cả việc phân loại và làm theo tiêu chuẩn cũng hoàn thiện hơn. Người trồng sầu riêng Việt Nam không nên hái sầu khi chúng mới chín 6, 7 phần, nên chọn những quả gần độ chín cây. Bằng cách này, hương vị sẽ được cải thiện, cộng thêm việc phân loại, kiểm soát chất lượng và tiêu chuẩn hóa, sầu riêng sẽ càng ngon và càng được người tiêu dùng ưa chuộng”, bà Điền khuyến nghị.
Chất lượng sầu riêng cũng là điều mà ông Nông Đức Lai nhận được phản hồi nhiều từ thị trường Trung Quốc. Ông cho biết, nhiều nhà nhập khẩu, phân phối phản ánh chất lượng sầu riêng Việt chưa đồng đều, nhiều quả hỏng, trong khi nhiều quả không thể chín hoặc múi cơm sượng do thu hoạch non. Ngoài ra, còn có các lô hàng bị cảnh báo vi phạm yêu cầu kiểm dịch, gây ảnh hưởng đến uy tín của trái sầu riêng Việt.
Ông Lai cũng đề xuất việc tổ chức hội nghị để đánh giá kết quả 1 năm triển khai thực hiện xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Qua đó có thể nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ thị trường, DN và nhà sản xuất, đồng thời, có thể tiếp tục khuyến cáo, tuyên truyền tới DN những vấn đề tồn tại để cùng khắc phục hướng tới xuất khẩu bền vững, ổn định.
“Để đảm bảo tăng trưởng bền vững, tiến tới chiếm lĩnh thị phần nhất định thị trường sầu riêng tại Trung Quốc, chúng ta cần tăng cường công tác quản lý, giám sát về chất lượng, kiểm soát được vi sinh vật gây hại, truy xuất nguồn gốc. Các vườn trồng bắt buộc phải thực hiện các quy trình kỹ thuật sản xuất và thu hoạch, không thể chỉ dừng ở việc khuyến cáo và phải có biện pháp xử phạt, chế tài rõ ràng. Quan trọng hơn nữa là ngành hàng cần xây dựng thương hiệu sầu riêng của Việt Nam, thương hiệu của DN để có thể nhận diện được tại thị trường Trung Quốc”, ông Lai định hướng.
Theo truyền thông Trung Quốc dẫn dữ liệu từ hải quan nước này, nếu như năm 2022, sầu riêng Thái Lan chiếm gần 95% thị phần Trung Quốc, đến hết 6 tháng đầu năm nay, con số này đã giảm xuống còn gần 77%. Trung Quốc hiện đang chiếm tới 91% nhu cầu tiêu dùng sầu riêng toàn cầu. Sầu riêng Việt Nam vẫn còn một chặng đường dài để tạo dựng thương hiệu và thực sự chinh phục được thị trường khổng lồ này.