Ra mắt dự án thương mại điện tử và bản đồ vùng nuôi cá tra
Dự án Thương mại điện tử với website mekongfishmaket.com và Bản đồ vùng nuôi cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long pangasiusmap.com vừa ra mắt.
Ngày 27/7, tại thành phố Cần Thơ, Hiệp hội cá tra Việt Nam đã tổ chức lễ ra mắt Dự án Thương mại điện tử với website: mekongfishmaket.com và Bản đồ vùng nuôi cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long với website: pangasiusmap.com.
Ảnh chụp màn hình website bản đồ vùng nuôi cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long
|
Hai website trên là sản phẩm của Dự án Chương trình nâng cao năng lực xúc tiến xuất khẩu doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương do nhà tài trợ SECO-Thụy Sỹ, đơn vị quản lý dự án là Cục Xúc tiến thương mại-Bộ Công Thương thực hiện.
Đây là dự án với nhiều hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp, ngành hàng nâng cao năng lực xuất khẩu với hoạt động hội chợ, hội thảo, đào tạo, website, tư vấn xuất khẩu cho doanh nghiệp.
Việc ra mắt 2 website mới này là cơ hội mới để khởi đầu cho ngành cá tra nói riêng, ngành thủy sản Việt Nam nói chung, mở thêm kênh thông tin cho hoạt động thương mại, truy xuất nguồn gốc cho thủy sản đáp ứng yêu cầu về an toàn, minh bạch sản phẩm thực phẩm.
Website pangasiusmap.com là bản đồ khởi động với cập nhật được 200 vùng nuôi cá tra của doanh nghiệp và hộ nuôi cá của 6 tỉnh, thành gồm thành phố Cần Thơ, tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Tiền Giang với tổng số là 1.104 ao với diện tích nuôi là 1.230ha.
Sử dụng bản đồ địa lý này, người xem sẽ dễ dàng tìm kiếm thông tin và xác định vị trí vùng nuôi trên hệ thống. Bản đồ kết hợp với bộ lọc dữ liệu tìm kiếm và trích xuất báo cáo về diện tích, sản lượng, số lượng doanh nghiệp, hộ nuôi cá tra, dự báo sản lượng thu hoạch trong thời gian tới.
Website mekongfishmaket.com cung cấp cho thành viên bán hàng các tiện ích hỗ trợ cho hoạt động quảng bá sản phẩm, báo giá, quản trị hiệu suất của nhân viên bán hàng.
Việc đăng ký thành viên được thực hiện đơn giản, nhanh chóng và miễn phí, cung cấp các dịch vụ chứng thực chất lượng cho các nhà cung ứng thủy sản để tạo uy tín giao dịch đối với nhà nhập khẩu, cung cấp cho các thông tin về thị trường hoạt động, cung cầu hàng hóa, định hướng tiêu dùng cho từng khu vực, các đặc điểm về nhu cầu hàng hóa tại các khu vực thông qua việc hỏi hàng, chào mua.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam sẽ xây dựng 6 trung tâm phát triển nghề cá lớn tại Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang.
Mỗi trung tâm nghề cá lớn có chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, không gian gắn với lợi ích kinh tế, xã hội, tài nguyên, nguồn nguyên liệu, hạ tầng kỹ thuật, có ranh giới và quy chế hoạt động riêng, làm đầu mối sản xuất, thương mại, dịch vụ hậu cần nghề cá trong thể liên hoàn liên kết để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh...
Tại buổi lễ ra mắt, ngoài việc giới thiệu ý nghĩa, mục dích của dự án, các cơ quan quản lý, các nhà tư vấn còn giới thiệu chức năng sản phẩm thương mại điện tử, bản đồ nguyên liệu thủy sản, chia sẻ kinh nghiệm trong kinh doanh online hiệu quả cũng như thử nghiệm trên laptop về 2 website nói trên./.
Vì sao cá tra Việt một mình một chợ vẫn khó bán hàng?