Sân bay Long Thành: Bộ GTVT tiếp tục làm rõ tính khả thi
VOV.VN - Những thắc mắc xung quanh chủ trương xây dựng sân bay Long Thành đã được đại diện của Bộ GTVT tập trung lý giải và làm sáng tỏ.
Dự án cảng hàng không Quốc tế Long Thành tiếp tục được nhiều người quan tâm tại cuộc Giao lưu trực tuyến do Báo Điện tử VnExpress tổ chức sáng nay (17/6). Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông và Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - Lại Xuân Thanh đã cùng giải đáp nhiều thắc mắc của độc giả xung quanh chủ trương xây dựng dự án quan trọng này.
Giai đoạn I có thể được rút ngắn từ 2-3 năm
Tiếp tục khẳng định sự đúng đắn và cấp thiết phải đầu tư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành trong xu thế phát triển ngành hàng không, đáp ứng nhu cầu vận tải trong bối cảnh sân bay Tân Sơn Nhất ngày càng chật chội, tắc nghẽn, Thứ trưởng Bộ GTVT quả quyết: Khi sân bay Tân Sơn Nhất không đáp ứng được yêu cầu vận chuyển, tắc nghẽn hàng không sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội trong đó có ngành hàng không.
Theo báo cáo của Chính phủ mới trình trước Quốc hội, giai đoạn I của Dự án sẽ có tổng mức đầu tư khoảng 5,2 tỷ USD dự kiến triển khai trong giai đoạn 2018 – 2025. Các Đại biểu Quốc hội cũng như cử tri cho rằng cần rút ngắn thời gian này, nên thực hiện giai đoạn I dự án trong vòng 5 năm, thay vì 7 năm.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - Lại Xuân Thanh trao đổi với độc giả về Dự án sân bay Long Thành. (Ảnh: VNE) |
Khẳng định thêm về mục tiêu này, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương, Bộ GTVT sẽ kiến nghị công tác giải phóng mặt bằng cần được tách riêng để làm sớm. Sau khi nghiên cứu khả thi xong trong năm 2017, giai đoạn I sẽ được tiến hành thi công trong khoảng 4 năm. “Đến năm 2022 sẽ có thể hoàn thành dự án, đây là cách làm song hành nên sẽ rút ngắn được thời gian thực hiện”, Thứ trưởng Đông nói.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, ngoài việc đảm bảo tiến độ và chất lượng, chi phí nằm trong dự toán cũng là những yêu cầu của Quốc hội đặt ra. Quốc hội đã yêu cầu Bộ GTVT rà soát rất kỹ và dự toán sẽ không được vượt quá mức đầu tư. Do đó, để đảm bảo hiệu quả nguồn vốn đầu tư, cần phải thực hiện giai đoạn I của dự án trong thời gian dự kiến. Nếu kéo dài thời gian thực hiện trong 15 hay 20 năm mức đầu tư sẽ khác.
“Tôi đảm bảo không vượt dự toán nếu đúng tiến độ đảm bảo đúng trong thời gian dự kiến. Bộ GTVT đang từng bước đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng. Hơn nữa, nhiều dự án của ngành gần đây của ngành giao thông đã và đang vượt tiến độ nên tôi tin tưởng sẽ làm được, nếu làm nhanh còn có thể giảm được thêm chi phí”, Thứ trưởng Đông nói.
Lựa chọn đầu tư đảm bảo đúng nguyên tắc
Đối với khả năng cho phép nhà đầu tư tư nhân, nước ngoài tham gia vào dự án với tư cách là nhà đầu tư cũng như khai thác sau này, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, do dự án đang giai đoạn tiền khả thi nên khi làm báo cáo khả thi sẽ chi tiết hơn các hạng mục như nhà ga hay kho hàng cùng các phương thức khai thác.
Tuy nhiên, về mặt nguyên tắc không thể bỏ qua yếu tố an ninh quốc phòng – điều này luôn được quan tâm hàng đầu. Nhưng cần đảm bảo việc đầu tư có sự cạnh tranh bình đẳng, tránh độc quyền. Do Việt Nam đã tham gia các Hiệp ước quốc tế nên phải đảm bảo thực hiện đúng các nguyên tắc về đầu tư. Điều kiện tham gia dự án sẽ được chi tiết hóa trong quá trình kêu gọi đầu tư và đưa vào hợp đồng cụ thể trong phần quyền lợi và nghĩa vụ của các bên.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông làm rõ nhiều vấn đề về Dự án sân bay Long Thành. (Ảnh: VNE) |
“Lựa chọn nhà thầu dùng vốn nước ngoài khi xây dựng dự án luôn phải đấu thầu theo quy định quốc tế. Tất cả đã có các quy định, tiêu chí, điều kiện đề ra để lựa chọn nhà thầu đủ năng lực thực hiện, không thể loại trừ hết nhà thầu của quốc gia này hay quốc gia khác”, Thứ trưởng Đông cho biết.
Bạn đọc băn khoăn về suất đầu tư có sự chênh lệch quá lớn (gấp khoảng 400 lần) giữa sân bay Long Thành và sân bay Attapeu của Lào, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chỉ rõ, dù chưa có con số của sân bay Attapeu nhưng các so sánh cần phải theo con số quy mô, công suất, yếu tố đầu vào và công năng khai thác trong tương lai thì mới xác định rõ được. Với sân bay Long Thành, do phải tính đến quy mô phục vụ trước mắt cũng như lâu dài và tương lai nên mức đầu tư ban đầu rất lớn.
Giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến môi trường
Còn khá nhiều lo lắng về những tác động tiêu cực của sân bay Long Thành đến môi trường, đời sống của người dân. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông trấn an, để khắc phục tình trạng này, ngoài việc đề xuất chọn địa điểm xây dựng sân bay ở vị trí ngoài trung tâm dân cư, khi lập dự án, xây dựng, Bộ GTVT đều tính đến giải pháp giảm thiểu tiếng ồn, môi trường (bụi, khí thải của máy bay) làm giảm các tác động tiêu cực đến môi trường và đời sống của người dân. Trong đó sẽ áp dụng theo những tính toán, hoạch định phạm vi để có khoảng lưu không tách biệt theo đúng tiêu chuẩn của ICAO về mức độ tiếng ồn cũng như các tác động môi trường.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - Lại Xuân Thanh cũng làm rõ thêm về khả năng cạnh tranh, nâng cao vai trò trung chuyển của Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đối với các sân bay trong khu vực cũng như các sân bay quốc tế khác. Theo ông Thanh, để làm được điều này trước hết sân bay Long Thành cần phải được thiết kế, tạo ra nhiều dịch vụ tiện ích cho hành khách khi tham gia trung chuyển tại sân bay.
Cụ thể là việc tăng cường khả năng đáp ứng các dịch vụ như nghỉ ngơi, ăn uống, khu vui chơi, mua sắm…cùng các chính sách du lịch đặc trưng của Việt Nam như đang được thực hiện ở Singapore với hệ thống giao thông miễn phí cho hành khách vào – ra thành phố trong 36 giờ… “Chắc chắn đây sẽ là yêu cầu rất cụ thể cho các đơn vị tư vấn thiết kế sau này, cũng như là chiến lược để kêu gọi đầu tư vào sân bay Long Thành”, Cục trưởng Lại Xuân Thanh tin tưởng./.