Sản xuất công nghiệp 2024: Doanh nghiệp xác định xanh hóa là yêu cầu cấp bách
VOV.VN - Để thích ứng với những thách thức và tận dụng tốt các cơ hội từ xu hướng xanh hóa, cần có những giải pháp đồng bộ từ sự chủ động của DN, sự đồng hành của các hiệp hội, chuyên gia đến những chính sách trợ lực hiệu quả của Nhà nước.
Áp dụng tiêu chuẩn xanh hóa trong sản xuất công nghiệp đang trở thành xu hướng phát triển bền vững, đem lại hiệu quả tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường. Nhiều ngành công nghiệp đang trong bối cảnh hội nhập rất lớn, việc đáp ứng các tiêu chuẩn xanh bền vững là yêu cầu cấp bách.
Xanh hóa đặt ra nhiều thách thức
Chuyển đổi xanh của chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay là yêu cầu “sống còn” đối với các DN dệt may, da giày. Với nhìn nhận của bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), trước đây, yêu cầu về phát triển bền vững chủ yếu là do các nhãn hàng đặt ra, nhưng cho đến nay các yêu cầu này đã được luật hóa. Riêng với ngành công nghiệp da giày, các thị trường chính như Mỹ, EU,… là những thị trường có đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao.
“Thị trường EU bắt đầu đưa ra những yêu cầu về chuyển đổi xanh, đặc biệt khối này ban hành đạo luật tra soát chuỗi cung ứng, hay đạo luật về chống phá rừng. Sắp tới còn hàng loạt các đạo luật mới như đạo luật về trách nhiệm mở rộng đối với nhà sản xuất, dán nhãn sinh thái, thiết kế sinh thái và hàng loạt các yêu cầu khác. Đây là những thách thức rất lớn đối với ngành da giày khi 2 thị trường này chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu”, bà Xuân thông tin.
Nằm trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu và những tiêu chuẩn xanh hóa của các khách hàng nhập khẩu, bà Nguyễn Thị Minh Hải, Trưởng ban Phát triển bền vững, Công ty CP Tổng công ty may Bắc Giang (LGG) cho biết, LGG đòi hỏi mức độ nhận diện, ngăn chặn cũng như giảm thiểu và trách nhiệm của DN đối với môi trường và xã hội ngày càng cao. LGG đã xác định sẽ có những thách thức, khó khăn, nhưng cũng coi đây là cơ hội để tiếp cận với chuỗi sản xuất minh bạch hơn, tiếp cận và tăng cường mối quan hệ hợp tác với chuỗi sản xuất xanh.
“DN tập trung vào đầu tư xây dựng hệ thống năng lượng mặt trời, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Ngoài ra, tại LGG cũng có sử dụng những biện pháp để tiết kiệm năng lượng, áp dụng những chính sách về chuyển đổi năng lượng. Trong hệ thống xử lý nước thải của nhà máy cũng được đảm bảo, nước thải đầu ra có thể tái sử dụng cho việc trồng cây hoặc nuôi cá”, bà Hải cho biết.
Từng bước đáp ứng tiêu chuẩn xanh cho sản phẩm xuất khẩu, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên cho biết, hiện các nhà máy thuộc hệ thống của DN đã tiến tới một số việc cần làm trước mắt và kiên quyết làm bằng được. Trong đó, vấn đề điện mặt trời áp mái sẽ được thực hiện tại 100% các đơn vị, giải pháp này vừa tiết kiệm năng lượng đồng thời vừa bảo vệ môi trường.
“DN kết hợp với tất cả các đơn vị cùng hợp tác để tái chế toàn bộ phần giẻ vụn vào những công việc khác. Trước đây khoảng 5 năm, những máy cắt vải mới chỉ là lắp ráp, nhưng bây giờ 100% các nhà máy đều dùng máy cắt tự động vừa chính xác, vừa có tác dụng giảm được lượng giẻ thừa từ đó giảm được chi phí nguyên liệu. Đây cũng chính là một trong những giải pháp tạo ra được hiệu quả kinh doanh và giảm ô nhiễm môi trường”, ông Dương khẳng định.
Hiệu quả từ kinh tế đến môi trường
Đề cao việc loại bỏ các tạp chất, chất thải cũng như quản lý công tác bảo vệ môi trường, ông Phùng Ngọc Bộ, Trưởng Ban Kỹ thuật Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho rằng, khi làm tốt điều này, DN sẽ giảm được định mức tiêu hao, giảm được các chi phí xử lý chất thải từ đó mang lại những hiệu quả hết sức tích cực về mặt kinh tế. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn xanh trong công nghiệp hóa chất còn nâng cao vị thế của DN, đặc biệt là khi DN hòa nhập với chuỗi cung ứng toàn cầu. Đối với những DN hóa chất khi đã quản lý môi trường tốt, loại bỏ được các chất thải có thể dễ dàng xâm nhập được các thị trường khó tính, đặc biệt là thị trường EU.
“Hiện nay vẫn còn những khó khăn khi thực hiện xanh hóa ngành hóa chất, do các công nghệ đang sử dụng tỉ lệ các nguyên liệu hóa thạch rất lớn. Cùng đó là chi phí công nghệ cũng như giá thành sản xuất cho các sản phẩm xanh hiện nay còn cao. Ngoài ra các cơ chế, chính sách dù đã có nhưng đối với ngành hóa chất để tiếp cận chưa thực sự rõ ràng”, ông Bộ nêu.
Để thích ứng với những thách thức và tận dụng tốt các cơ hội từ xu hướng xanh hóa trong sản xuất, cần có những giải pháp đồng bộ từ sự chủ động của DN, sự đồng hành của các hiệp hội, chuyên gia đến những chính sách trợ lực hiệu quả của Nhà nước.
Việc sớm triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ và việc chuyển đổi sản xuất, kinh doanh của DN theo hướng xanh hóa không chỉ giúp DN giữ vững thị phần mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần phải hành động càng sớm càng tốt, có những hướng dẫn thống nhất và đánh giá phù hợp, có những giải pháp hỗ trợ DN cụ thể. Về phần mình, các DN cũng cần phải chủ động thay đổi tư duy, chủ động chuyển đổi sản xuất theo hướng tuần hoàn, bền vững.