Sáng kiến xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen trước nguy cơ đổ vỡ
VOV.VN - Sáng kiến xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen - một trong những thỏa thuận quan trọng góp phần xuất khẩu nông sản từ Nga và Ukraine ra thế giới đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ, sau khi Nga để ngó khả năng cân nhắc rút khỏi văn kiện này.
Phát biểu trước báo giới hôm qua (13/6), Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Nga đang cân nhắc rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen. Lý do mà người đứng đầu nước Nga đưa ra, là do phương Tây đã không thực hiện bất cứ cam kết nào để đưa mặt hàng nông sản Nga ra thị trường toàn cầu.
Tổng thống Nga cũng cho biết, thay vì tiếp tục tham gia thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen, Nga sẽ chuyển hướng sang cung cấp ngũ cốc miễn phí cho các quốc gia nghèo trên thế giới. Ý tưởng này sẽ được nhà lãnh đạo Nga thảo luận kỹ, khi các nhà lãnh đạo châu Phi có chuyến thăm Nga trong thời gian tới.
“Chúng tôi đã gia hạn thỏa thuận trong đó nhấn mạnh đến lợi ích của các quốc gia thân thiện. Mọi người đều hiểu rằng, Nga cũng cần có lợi ích để duy trì mối quan hệ tốt đẹp, đáng tin cậy và ổn định với nhiều khu vực khác trên thế giới, vốn không ủng hộ những hành động gây hấn của phương Tây nhằm chống Nga. Thứ 2, số lượng ngũ cốc mà các nước nghèo nhất nhận được thấp hơn 3%, vì vậy Nga sẵn sàng chuyển giao miễn phí cho các nước nghèo nhất”, Tổng thống Nga Putin khẳng định.
Trên thực tế, xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga không bị hạn chế theo các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào nước này, liên quan đến cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, tuy nhiên, phía Nga cho rằng những hạn chế về thanh toán, hậu cần và bảo hiểm đã trở thành rào cản đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa của nước này.
Nga và Ukraine là hai nhà sản xuất nông nghiệp hàng đầu của thế giới và cũng là “những nhà cung cấp chính” về lúa mỳ, lúa mạch, ngô, hạt cải dầu, dầu hạt cải, hạt hướng dương và dầu hướng dương. Riêng Nga còn là nhà cung cấp phân bón hàng đầu trên thế giới. Sau khi xung đột tại Nga nổ ra, hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón đã bị đình trệ nghiêm trọng, qua đó tác động mạnh đến nhiều nước trên thế giới vốn phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung của Nga và Ukraine. Điều này đã làm dấy lên nguy cơ về một cuộc khủng hoảng lương thực trên thế giới.
Nắm rõ thực tế này, Tổng Thư ký LHQ đã nhiều lần bày tỏ quan ngại, về nguy cơ một trong hai bên của Sáng kiến xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen dừng thực hiện thỏa thuận, lo ngại Nga sẽ rút khỏi thỏa thuận dự kiến hết hạn vào ngày 17/7 tới. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres 1 ngày trước đó cho biết, ông vô cùng quan ngại về khả năng này có thể không còn hiệu lực nữa. Vì vậy, LHQ đang rất nỗ lực để đảm bảo duy trì được thỏa thuận, cũng như tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu của Nga.
Vào tháng 7/2022, LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian cho Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng do tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine - nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới. Thỏa thuận đã 3 lần được gia hạn và theo lần gia hạn mới nhất ngày 18/5, thỏa thuận sẽ hết hiệu lực vào ngày 17/7 tới./.