Sắp áp dụng Nghị định 36 về chế biến và xuất khẩu cá tra
VOV.VN - Nghị định này ra đời là công cụ pháp lý cần thiết, quan trọng, tạo cơ chế để có thể kiểm soát sản xuất, giám sát tình hình tiêu thụ sản phẩm...
Nghị định 36 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra được áp dụng từ 20/6 tới mở ra hy vọng lập lại trật tự mới, hướng tới phát triển ngành hàng chiến lược quốc gia.
Nghị định này ra đời là công cụ pháp lý cần thiết, quan trọng, tạo cơ chế để có thể kiểm soát sản xuất, giám sát tình hình tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, khắc phục các bất cập, khó khăn vướng mắc thời gian qua của ngành cá tra.
Thế nhưng, bên cạnh những giải pháp mang tính căn cơ thì nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cũng còn băn khoăn trong việc thực hiện nghị định.
Công đoạn chế biến cá tra phile xuất khẩu ở các doanh nghiệp tỉnh An Giang
Tuy nhiên, trong cách tiếp cận của mình, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) phân tích việc cân đối cung - cầu, quy hoạch theo địa giới hành chính hay quy hoạch trên diện tích vùng nuôi trong nội dung Nghị định cần làm rõ và cần có chế tài trong việc kiểm soát quy hoạch.
Bên cạnh đó, theo ông Dũng và một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, việc đăng ký hợp đồng doanh nghiệp qua Hiệp hội cá tra Việt Nam có nhiều điểm bất lợi cho doanh nghiệp. Bởi trên thực tế cho thấy, trong ban lãnh đạo Hiệp hội cá tra cũng có nhiều cá nhân là chủ doanh nghiệp sản xuất cá tra. Do vậy, theo ông Dũng, việc đăng ký này liệu có ảnh hưởng đến doanh nghiệp khác hay không?.
Ông Dũng nói: “Chúng tôi kiến nghị Thủ tướng bớt quy định đăng ký do Hiệp hội cá tra thực hiện. Bởi việc đăng ký đã có hải quan làm và họ đã có tất cả số liệu. Hiện Hiệp hội cá tra có rất nhiều doanh nghiệp như có lãnh đạo doanh nghiệp là Phó Chủ tịch Hiệp hội và doanh nghiệp này cũng xuất khẩu cá tra. Vậy thông tin mật này có được kín không?.
Bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị thông tư hướng dẫn Nghị định 36 nên làm rõ vấn đề phí thẩm định theo hướng “có lợi cho doanh nghiệp”.
Phân tích của bà Mai cho thấy các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu phải chi phí kiểm nghiệm như các chỉ tiêu vi sinh, kháng sinh, chất lượng giống, chứng nhận VietGAP, Global GAP... khoảng 4.000 đồng/kg cá thành phẩm. Vì vậy, việc phí chồng phí sẽ ảnh hưởng nhiều đến quá trình hoạt động của các doanh nghiệp trong tình hình khó khăn hiện nay.
Còn đối với bà Nguyễn Thị Ánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần thủy sản Ngọc Xuân, chuyên sản xuất và xuất khẩu sản phẩm cá tra ở tỉnh Tiền Giang nêu rõ: Nghị định 36 ra đời nhằm mục đích ổn định thị trường cá tra, chống sự cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, cũng còn nhiều điểm, khoản chưa phù hợp tình hình thực tế, cần có sự điều chỉnh cho hợp lý hơn. Bà Ánh nói: “Hiện việc công bố nhãn mác chưa có quy định cụ thể. Cái này bắt buộc. Đối với những người làm không đúng, đó là gian lận thương mại. Vấn đề nữa là thẩm định lô hàng. Lô hàng từ khi thả cá, chế biến đến xuất khẩu đã có tổ chức giám định. Bây giờ giao thêm cho hiệp hội nữa phí chồng phí”.
Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Hùng Vương nhận định: Nghị định về con cá tra phải đi từ gốc. Đây là sự liên kết 3 nhà giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà quản lý để phát triển. Nhưng thời gian qua, việc đầu tư nuôi trồng chưa có, kể cả doanh nghiệp đầu tư nuôi trồng từ ngân hàng cũng không có. Chính vì vậy, ông Minh cho rằng phải có những giải pháp căn cơ mới giải quyết được cái “khó” của ngành hàng cá tra. Ông Minh nói: “Tôi cho rằng Nghị định cần thiết để ra đời, nhưng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp. Làm sao để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người nuôi. Người dân có một ao, ngày trước chính mình khuyến khích người ta làm, bây giờ áp dụng những tiêu chuẩn thì khó thực hiện”.
Có thể thấy rõ, trong khi Nghị định 36 sắp có hiệu lực kể từ ngày 20/6 tới, những thông tin từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho thấy người nông dân nuôi cá cũng ngày một “đuối” dần. Bước sang những tháng đầu năm nay, tỉ lệ diện tích cá tra do doanh nghiệp nuôi đã tăng lên rất nhanh và chiếm khoảng 70% diện tích của ngành.
Điều này cho thấy, những nông hộ nuôi cá tra đã mất khả năng tự đầu tư sản xuất và chuyển dần sang lệ thuộc vào doanh nghiệp thông qua các hình thức nuôi hợp tác, nuôi gia công cho doanh nghiệp.
Chính vì thế, với hy vọng cùng với ý kiến của các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, chế biến cá tra ở ĐBSCL, Nghị định 36 đi vào thực tế sẽ tạo ra “luồng gió mới” trong nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra. Từ đó, sẽ nâng cao giá trị và hình ảnh cho con cá tra, lợi thế vàng của Châu thổ Cửu long./.