Sau Tết Kỷ Hợi 2019, Việt Nam sẽ có dự án đầu tư sản xuất iPhone?
Các nhà đầu tư là đối tác trong việc lắp ráp, sản xuất iPhone có thể di dời một phần nhà máy từ Trung Quốc sang nước khác hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Đây là thông tin đã được râm ran từ trước Tết Kỷ Hợi và theo một số nguồn tin, các nhà đầu tư là đối tác trong việc lắp ráp, sản xuất iPhone cho Apple đã có những động thái có thể di dời một phần nhà máy từ Trung Quốc sang nước khác hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Việt Nam là ứng cử viên sáng giá
Trong cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ vẫn đang căng thẳng, làn sóng nhiều nhà đầu tư rút toàn phần hoặc một phần khỏi Trung Quốc đã và đang diễn ra để tránh sự trừng phạt về thuế từ ngày 1.3.2019 nếu cuộc chiến thương mại trên không được giải quyết ổn thỏa.
iPhone là thương hiệu điện thoại được chuộng tại Việt Nam. |
Khi các nhà đầu tư sản xuất công nghiệp và công nghệ rút khỏi Trung Quốc vì mục đích tránh thuế nặng, Việt Nam chính là “đất hứa” nhờ có nhiều lợi thế. Thứ nhất, Việt Nam gần Trung Quốc về địa lí, thuận lợi việc di dời. Thứ hai, hạ tầng tại Việt Nam phục vụ các khu công nghiệp ngày càng hoàn thiện. Thứ ba, chính sách ưu đãi tại Việt Nam đang hấp dẫn. Thứ tư, giá nhân công tại Việt Nam rẻ hơn Trung Quốc gần một nửa.
Ở khu vực Đông Nam Á, theo so sánh của nhiều chuyên gia, khó có quốc gia nào có thể cạnh tranh với vị trí số 1 của Việt Nam nếu doanh nghiệp di dời từ Trung Quốc sang. Myanmar cũng là một nơi hấp dẫn về thu hút đầu tư. Tuy nhiên, về nhiều mặt, quốc gia này không có lợi thế bằng Việt Nam.
Ở khu vực Châu Á, nếu các doanh nghiệp di dời khỏi Trung Quốc, Ấn Độ chính là quốc gia được chọn lựa nhiều nhất. Thứ nhất, Ấn Độ có một thị trường hơn 1 tỉ dân chưa phát triển vì thế nhu cầu tiêu dùng còn rất lớn. Thứ hai, giá nhân công còn khá rẻ. Thứ ba, nguồn nhân lực công nghệ tại Ấn Độ dồi dào, tiếng Anh khá tốt…
Khả năng có thêm dự án sản xuất iPhone?
Gần đây, tờ báo Business Times của Singapore cho biết tập đoàn Foxconn đã mua một Cty Ấn Độ có thương vụ thuê 250.000m² đất tại một khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Giang. Thông tin này ngay lập tức được quan tâm với câu hỏi đặt ra Foxconn – đối tác số 1 sản xuất iPhone cho Apple – có thể sẽ đầu tư mở rộng sản xuất đưa một phần nhà xưởng sản xuất iPhone từ Trung Quốc sang, nhằm tránh thuế nặng nếu chiến tranh thương mại Trung – Mỹ không được giải quyết êm thấm.
Trước đó, cuối tháng 11/2018, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – từng tiết lộ rằng lãnh đạo TP.Hà Nội đang mong muốn làm việc với một tập đoàn Trung Quốc để đưa dây chuyền sản xuất iPhone về Việt Nam. Đó chính là tập đoàn Foxconn.
Nếu chỉ tính riêng Foxconn, Việt Nam càng có lợi thế hơn so với Ấn Độ và các quốc gia khác trong khu vực vì nhiều năm qua tập đoàn này đã có cơ sở sản xuất tại nước ta.
Thị trường iPhone tại Việt Nam có doanh số chưa quá lớn, nhưng lại có mức tăng trưởng cao và khá bền vững. Việt Nam nằm trong số các quốc gia có lượng iFans đông đảo “cuồng” iPhone.
Trong khi đó, iPhone tại Ấn Độ đang ngày càng giảm mạnh doanh số. Năm 2017, lượng iPhone bán ra tại Ấn Độ là 3,2 triệu chiếc thì tới năm 2018 chỉ còn 1,7 triệu chiếc, giảm gần 50%. Với doanh số như vậy, lượng iPhone bán ra tại Ấn Độ nhiều hơn tại Việt Nam nhưng không chênh lệch quá lớn. Còn nếu tính trên tỉ lệ dân số, tỉ lệ người dùng tại Việt Nam cao hơn tại Ấn Độ gấp nhiều lần.
Tới những ngày áp Tết Kỷ Hợi 2019, thêm những thông tin ngày càng có lợi cho Việt Nam. Đó là Pegatron – Cty đang nắm giữ 30% lượng đơn hàng sản xuất iPhone cho Apple, cũng đang xem xét di dời cơ sở sản xuất iPhone sang một trong ba quốc gia là Ấn Độ, Việt Nam hoặc Indonesia./. Thăng trầm của Apple qua các đời iPhone