Sau vụ Huyền Như, người gửi tiền tiết kiệm bất an
Theo Thống đốc NHNN, gửi tiền tiết kiệm là lựa chọn tối ưu nhất trong năm 2014, tuy nhiên người gửi tiền vẫn lo lắng sau vụ Huyền Như.
Người gửi tiền bất an
Dành trọn cả buổi sáng để tìm kiếm trên mạng, đọc kỹ các điều khoản, quy định về gửi tiền tại các ngân hàng nhưng chị Hương, chủ một doanh nghiệp tư nhân tại Hà Nội không an tâm khi nghĩ về việc nhân viên ngân hàng làm bậy còn ngân hàng chưa đủ giám sát chặt chẽ để đảm bảo chống rủi ro kiểu này cho khách hàng.
Gửi tiền, không có chuyện Ngân hàng chối bỏ trách nhiệm (Ảnh: Như Ý)
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng, vụ án xét xử siêu lừa Huyền Như chưa có kết luận cuối cùng nhưng người dân có tiền về cơ bản hoàn toàn yên tâm khi thực hiện giao dịch tại các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng. Theo ông Kiêm, quyền lợi của người gửi tiền trong vụ lừa đảo của Huyền Như sẽ được đảm bảo như thế nào, sẽ còn phải chờ.
“Không ai để xảy ra chuyện ngân hàng chối bỏ trách nhiệm với người gửi tiền khi mà họ đã đến thực hiện giao dịch gửi, nhận tiền, nhận sổ tiết kiệm tại các phòng giao dịch của ngân hàng cả. Ngân hàng lấy lý do cho rằng nhân viên đã nghỉ việc, đã bị kỷ luật để chối trách nhiệm cũng không được vì sẽ có cơ quan chức năng vào kiểm tra, kết luận”, ông Kiêm nói.
Đạo đức cán bộ và lỗ hổng quản trị
Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo thuộc cơ quan Giám sát Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho hay, trước lỗ hổng trong quản trị ngân hàng xảy ra ở vụ Huỳnh Thị Huyền Như của Vietinbank (năm 2011), năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản nhằm kiểm soát hệ thống tốt hơn.
“Chúng tôi đã ban hành cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ về cho vay; Thông tư số 28/2012/TT-NHNN quy định về bảo lãnh Ngân hàng. Thông tư 01 sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 21 ban hành hồi tháng 6/2012 về các hoạt động trên thị trường liên ngân hàng (một trong những điểm bổ sung là tại thời điểm đi vay, các ngân hàng không được có khoản nợ quá hạn từ 10 ngày trở lên tại một ngân hàng khác - trừ trường hợp được Thống đốc cho phép đi vay). Tất cả những văn bản trên nhằm củng cố, giám sát hệ thống một cách chặt chẽ hơn”- Vị này cho biết.
Với việc chối bỏ trách nhiệm có liên quan những khoản tiền gửi ở vụ siêu lừa Huyền Như của Vietinbank, người dân liệu còn có thể đặt niềm tin vào các ngân hàng hay không? Cũng một cán bộ thanh tra ngân hàng chia sẻ.
Theo ông, trong vụ việc đặt ra hai tình huống. “Nếu tiền đã vào hệ thống Vietinbank, chắc chắn cho kiểm tra sẽ ra ngay. Việc xóa đi giao dịch là không thể”- Ông khẳng định và phân tích kỹ hơn: Khi gửi tiền vào tức là đưa tiền vào quỹ (người gửi tiền nộp tiền lập tức thủ quỹ sẽ có phiếu thu). Căn cứ vào phiếu thu đó, bộ phận kế toán quỹ sẽ hạch toán tài khoản người gửi và kế toán trả vào số tài khoản.
Trong ngày hôm đó, tiền thế nào cũng phải lên cân đối trong ngày. Còn với các khoản tiền nếu là chuyển khoản của các ngân hàng sẽ có bút toán chuyển tiền đi, có tài khoản nơi đến. Ví như trường hợp một ngân hàng nào đó đã thanh toán, cuối ngày họ có thể kiểm tra qua thanh toán điện tử liên ngân hàng, điều này trung tâm thanh toán Ngân hàng Nhà nước sẽ biết”.
Trường hợp nữa, nếu tiền giao dịch không vào tài khoản như đại diện Vietinbank cho hay thì lúc này sẽ rơi vào khía cạnh cán bộ đó đã dựa vào môi trường ngân hàng của Vietinbank để đi lừa đảo. Tuy nhiên, dù thế nào, vị thanh tra lưu ý về tổng thể, ngân hàng nào cũng có công cụ kiểm soát tiền vào – ra trong hệ thống ngân hàng và có chương trình quản trị kiểm soát rủi ro, nên việc gửi tiền tuân theo một quy trình rất chặt.
“Vụ Huỳnh Thị Huyền Như là bài học lớn cần lưu tâm về đạo đức cán bộ ngân hàng không chỉ với riêng Vietinbank mà cả hệ thống. Đây là điển hình của việc cán bộ ngân hàng lợi dụng danh nghĩa đi lừa” - Ông nhấn mạnh./.