Tái cơ cấu ngân hàng phải gắn với lợi ích của người gửi tiền

Ngoài ra, tái cơ cấu ngân hàng cũng phải bảo đảm tính thanh khoản và an toàn hệ thống.  

Tại Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được xem một trong 3 nhiệm vụ hàng đầu cần thực hiện để tái cấu trúc nền kinh tế.

Tái cấu trúc ngân hàng nhưng vẫn phải bảo đảm tính thanh khoản và an toàn hệ thống

Theo chủ trương đưa ra, cấu trúc lại hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính theo hướng sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính nhỏ để có các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính với quy mô lớn, uy tín, hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản và an toàn hệ thống. Tái cấu trúc ngân hàng là việc làm tất yếu và cấp bách hiện nay để bảo vệ hệ thống ngân hàng, củng cố uy tín ngành và niềm tin của người dân. Bên lề kỳ họp Quốc hội, phóng viên VOV Online ghi lại cuộc trả lời phỏng vấn báo chí của ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội.

PV: Thưa ông, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã đưa ra Chỉ thị về tái cấu trúc đầu tư, hệ thống ngân hàng. Theo ông, những giải pháp này đã thực sự đủ mạnh để áp dụng vào thực tế chưa?

Ông Nguyễn Văn Giàu: Tại Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã đưa ra mục tiêu, tái cơ cấu nền kinh tế một cách toàn diện. Trong 9 nhóm giải pháp mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đưa ra để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt chú trọng đến tái cấu trúc nền kinh tế đang giao cho Chính phủ thực hiện đề án tổng thể. Trong đó, đáng chú ý là tái cơ cấu đầu tư trong 3 khu vực: đầu tư công, đầu tư dân doanh và khu vực đầu tư có vốn nước ngoài. Đối với lĩnh vực tài chính, chú trọng đến tái cấu trúc ngân hàng. Đối với khối doanh nghiệp là tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Giàu

Để thực hiện tốt 9 nhóm giải pháp này, các Bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc kêu gọi doanh nghiệp, tập đoàn, các tổ chức kinh tế dân doanh thực hiện đúng theo sự chỉ đạo của Chính phủ.

PV: Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, chúng ta đưa ra tái cơ cấu ngân hàng một cách vội vã trong khi hành lang pháp luật còn chưa đồng bộ, rõ ràng, cụ thể. Ông nhận định như thế nào về các ý kiến này?

Ông Nguyễn Văn Giàu: Việc tái cơ cấu ngân hàng vừa được Ban Chấp hành Trung ương Đảng XI đưa ra. Tuy nhiên, để thực hiện vào thực tế, Chính phủ cần đưa ra đề án bài bản, những giải pháp rõ ràng, kèm theo đó là hệ thống pháp luật minh bạch để trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIII tới.

PV: Việc tái cơ cấu ngân hàng có tính đến việc giải thể, sáp nhập, hợp nhất ngân hàng. Liệu giải pháp này có khả thi khi mà nhiều ngân hàng nhỏ lẻ còn chưa chuẩn bị tâm lý cho tái cơ cấu, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Giàu: Việc giải thể, sáp nhập ngân hàng chủ yếu là nhằm mục đích nâng cao dịch vụ, bảo đảm tính thanh khoản, an toàn của toàn hệ thống ngân hàng và lợi ích, quyền lợi của người gửi tiền. Vì vậy, các ngân hàng cần phải nghĩ tới để đảm bảo mục tiêu trên.

 PV: Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên