Sẽ có gói cứu trợ kinh tế “bơm” qua tín dụng
(VOV)-Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh: Năm 2013, có thể vẫn có gói cứu trợ kinh tế, nhưng không phải dùng tiền ngân sách mà qua tín dụng.
“Bơm” cứu trợ qua tín dụng
Theo Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh, mục tiêu tổng quát của năm 2013 đã được đề ra là: tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị - xã hội. Tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh |
Với mục tiêu nêu trên, bên cạnh 9 nhóm giải pháp phải thực hiện, để tiếp tục gỡ khó cho nền kinh tế, Chính phủ đã họp bàn về giải pháp giải quyết nợ xấu của ngân hàng thương mại và gỡ khó cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, bên cạnh đó, năm 2013 có thể có gói cứu trợ kinh tế, nhưng cách làm sẽ khác các lần trước.
Theo Bộ trưởng, năm 2013 này, nếu dùng gói cứu trợ không phải “bơm” tiền ra mà hỗ trợ thông qua tín dụng từ ngân hàng. Đơn cử, đối với thị trường bất động sản, ngân hàng sẽ xem xét tăng tín dụng cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, phải căn cứ vào các dự án mà có sản phẩm có khả năng bán được, nhưng do thiếu vốn mà chưa hoàn thiện được thì sẽ được đầu tư hoàn thiện để bán sản phẩm. Tức là “không phải bơm bằng tiền ngân sách, phải bơm bằng tín dụng”- Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.
Cạnh đó, theo Bộ trưởng Vinh, phải xì hơi cho bất động sản về giá thực của nó, không thể để tình trạng thổi giá cao, quá sức tiêu dùng. Hiện tại, vốn đọng và nợ đọng trong bất động sản đang kìm hãm phát triển kinh tế - xã hội.
Trung ương không trả nợ cho các đầu tư tràn lan
Thời gian qua, dư luận băn khoăn về tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) quá cao, trong khi ngân sách thì eo hẹp và đất nước đang cần vốn để phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, nhân dân còn chưa hiểu rõ về việc đang tồn tại 2 con số về nợ đọng.
Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh giải thích: Con số 91.000 tỷ đồng nợ đọng XDCB là của Bộ Tài chính công bố, còn Bộ KH-ĐT công bố là 85.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, giữa hai con số này không phải khác nhau nhiều, chủ yếu vì Bộ Tài chính thống kê từ các nguồn vốn liên quan đến các khoản nợ đó, còn Bộ KH-ĐT đã lọc ra, chỉ thống kê các khoản nợ liên quan đến ngân sách nhà nước.
Địa phương chi tiêu vượt nguồn vốn ngân sách Trung ương cấp phải tự trả bằng ngân sách của địa phương. |
Về hướng xử lý nợ XDCB vừa nêu, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết: Bộ KH-ĐT đã có công văn yêu cầu các địa phương, bộ ngành… liên quan phải phân tích cụ thể nợ như thế nào? Nợ ngân sách nhà nước bao nhiêu, nợ của địa phương bao nhiêu?
“Khi địa phương tự chi tiêu, đầu tư nhiều vượt nguồn vốn ngân sách Trung ương cấp thì địa phương phải tự trả bằng ngân sách của địa phương, Trung ương không đem tiền ra trả nợ cho các đầu tư tràn lan”-Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.
Bộ trưởng còn cho biết thêm rằng, cách làm này là thực hiện đúng tinh thần trong Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý đầu tư từ vốn NSNN và vốn TPCP quy định các địa phương, các Bộ… phải tự chịu trách nhiệm nếu chi vượt ngân sách Truung ương cho phép.
Chủ trương trong năm 2013 này, Bộ KH-ĐT đã hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương phải ưu tiên thanh toán nợ XDCB trước khi đầu tư các hạng mục mới. Đặc biệt, theo Bộ trưởng, năm nay “Bộ giao kế hoạch trung hạn về ngân sách nhà nước 2013-2015 cho địa phương biết cụ thể để theo thứ tự mà dùng, phải ưu tiên thanh toán nợ. Địa phương nào đã làm nhiều, còn nợ thì lấy vốn năm nay trả cho năm trước, vốn còn lại mới được đâu tư mới. Như vậy, đây cũng là một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần giải quyết nợ xấu”.
Sẽ tập trung nguồn lực, không để đua nhau làm kinh tế
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, một trong những yếu tố làm phân tán nguồn lực đầu tư ở nước ta hiện nay là do có tình trạng các địa phương đua nhau làm kinh tế. 100% các dự án đầu tư đều do địa phương cấp phép, trong khi năng lực và kinh nghiệm một số địa phương không phải luôn đáp ứng được.
Nguyên nhân quan trọng nảy sinh tình trạng này, theo Bộ trưởng, là do phân cấp, phân quyền. Bởi nước ta đang cho phép địa phương được tự chủ, tự quyết trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế. Hiện nay tại 63 tỉnh, thành, Hội đồng nhân dân có đề ra những nhiệm vụ kinh tế; Nghị quyết của Đảng bộ địa phương cũng đưa ra chỉ tiêu kinh tế.
Cho nên, 63 tỉnh thành hiện nay đang trở thành 63 đơn vị kinh tế. Đây là điều các quốc gia khác trên thế giới ít làm, thay vào đó, chỉ tập trung làm kinh tế ở một số lĩnh vực, hoặc chọn thế mạnh phát triển kinh tế cho phù hợp. Còn lại, chủ yếu chính quyền địa phương có vai trò và trách nhiệm đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, tạo môi trường để các đơn vị khác phát huy làm kinh tế. Vì “tỉnh họ làm khu công nghiệp, tỉnh mình cũng làm; lẽ ra một vùng ven biển chỉ cần 1 cảng thì 6 tỉnh lại làm 6 cảng, nhưng khai thác không hiệu quả.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Vinh cũng chia sẻ, bản thân ông từng nhiều năm làm Chủ tịch tỉnh, làm Giám đốc Sở KH-ĐT nên hiểu rằng, nếu các địa phương không lao vào làm kinh tế cũng khó, vì khi tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu chậm, GDP bình quân đầu người thấp... thì nhân dân đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ, cấp trên phê bình.
Để khắc phục tình trạng này, theo Bộ trưởng, cần xem xét lại việc phân cấp phân quyền. Những dự án lớn, có tầm ảnh hưởng rộng, các địa phương, nơi dự án đăng ký, vẫn được cấp phép, nhưng phải có thẩm định dự án của cơ quan chuyên môn cấp Bộ, ngành… Đặc biệt, sẽ thay đổi cơ bản cách xúc tiến đầu tư để tập trung hơn, không đua nhau như hiện nay./.