Sẽ thay đổi cách tính phí quỹ bảo trì đường bộ?
Đây là ý kiến của Bộ Tài chính gửi Bộ GTVT về việc sửa đổi một số nội dung cách tính và nộp phí bảo trì đường bộ.
Theo dự thảo này, rất nhiều điều khoản nếu được thông qua thì các doanh nghiệp vận tải sẽ được tháo gỡ khó khăn đáng kể.
Thay đổi đáng chú ý nhất là cách tính phí với xe đầu kéo và rơmóóc, sơ mi rơmóóc theo hướng gộp chung trọng lượng của xe đầu kéo cộng thêm trọng lượng rơmóóc kéo theo để tính phí, thay vì tính riêng trọng lượng của rơmóóc.
Ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hoá TP HCM đồng tình: cách tính mới này sẽ đảm bảo công bằng hơn cho doanh nghiệp vì thông thường, số rơmóóc phải nhiều gấp từ 2 - 3 lần so với xe đầu kéo, thậm chí gấp năm lần nhưng mỗi lần lăn bánh thì một đầu kéo chỉ kéo theo được một rơmóóc.
"Tôi biết tại TP.HCM, cá biệt có doanh nghiệp có 100 xe đầu kéo nhưng có đến 900 rơmóóc. Nếu theo cách tính mới mà dự thảo đề cập, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được phí 800 rơmóóc, mỗi rơmóóc khoảng 500.000 - 600.000 đồng/tháng, vậy là doanh nghiệp tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng", ông Chung nói.
Một quy định mới khác mà theo ông Chung là sẽ giúp doanh nghiệp tháo gỡ rất đáng kể về nguồn vốn là cách nộp phí hàng tháng thay vì theo chu kỳ đăng kiểm. Dự thảo quy định nếu doanh nghiệp nào có số phí phải nộp từ 50 triệu đồng/tháng trở lên thì được phép nộp từng tháng một, thay vì phải nộp trước cả năm hoặc nộp trước theo chu kỳ đăng kiểm.
"Điều này sẽ giúp doanh nghiệp không còn phải lo chạy vạy số tiền lớn để nộp quỹ bảo trì mỗi lần đến hạn đăng kiểm, nhất là những doanh nghiệp có hàng trăm xe đầu kéo hoặc doanh nghiệp cả ngàn xe taxi", ông Chung nhẩm tính.
Chủ tịch hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh bức xúc, quy định hiện nay thực chất đã chiếm dụng một phần lớn nguồn vốn của doanh nghiệp, bởi đáng ra doanh nghiệp chỉ phải đóng 1/6 hoặc 1/12 số phí phải nộp.
Theo ông Thanh, ngay từ khi thông tư 197 còn dự thảo, các doanh nghiệp đã kiến nghị cho doanh nghiệp được nộp phí theo tháng. Đến khi thông tư ra đời cuối năm 2012 hiệp hội cũng kiến nghị sửa đổi điều này, nhưng không được lắng nghe.
Tương tự, một quy định khác mà hiệp hội đeo đuổi suốt hai năm qua và đến nay đã được đưa vào dự thảo sửa đổi là xe kinh doanh vận tải dừng hoạt động từ 30 ngày trở lên sẽ được miễn thu phí đối với khoảng thời gian ngừng chạy thực tế đó.
Với quy định này, dự thảo mới của bộ Tài chính hướng dẫn: chủ xe làm đơn trình báo lên sở giao thông vận tải địa phương (nơi cấp phép kinh doanh vận tải cho doanh nghiệp) xác nhận để sở đồng thời lập biên bản tạm giữ phù hiệu. Doanh nghiệp sẽ gửi hồ sơ xin ngừng đóng phí kèm theo đơn xác nhận này lên cơ quan đăng điểm. Sau đó cơ quan đăng kiểm sẽ lập biên bản thu tem nộp phí sử dụng đường bộ.
"Quy định này sẽ công bằng hơn, xe lăn bánh mới phải nộp phí đường. Trước đây chúng tôi đề nghị xe dừng chạy từ mười ngày thì được miễn, nhưng nay dự thảo quy định 30 ngày, dẫu sao các bộ ngành cũng đã quan tâm tới kiến nghị của chúng tôi", ông Thanh nói.
Ngoài những quy định đáng chú ý nói trên, mới đây, trong một công văn gửi bộ Giao thông vận tải, bộ Tài chính cũng cho hay, bộ này cũng nhận được kiến nghị của các hiệp hội vận tải đề nghị miễn phí đối với xe ôtô của các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe; xe ôtô của các nhà ga, cảng, đơn vị khai thác khoáng sản, lâm sản… Tuy vậy, bộ Tài chính cho rằng, cần có ý kiến của bộ Giao thông vận tải với những xe này, đồng thời, trong trường hợp bổ sung các loại xe trên vào diện không chịu phí đường bộ thì bộ Giao thông vận tải cần quy định hồ sơ, thủ tục, quy trình quản lý, cơ quan xác nhận… để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện./.