Sẽ thu hút nhiều dự án đầu tư tại Diễn đàn MDEC - Vĩnh Long
VOV.VN - Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL - Vĩnh Long 2013 (MDEC - Vĩnh Long 2013) sẽ diễn ra vào ngày 25 – 26/11 tới.
Qua 6 lần tổ chức với các chủ đề thiết thực, Diễn đàn hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL- MDEC) đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự phát triển chung của vùng Châu thổ Cửu Long. Qua đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, giải pháp; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của khu vực.
Sản xuất lúa theo hướng bền vững, giảm lượng thuốc Bảo vệ thực vật ở Trà Vinh |
Với Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL - MDEC Vĩnh Long 2013 lần này sẽ đẩy mạnh giới thiệu về tiềm năng, lợi thế của vùng; đồng thời, chỉ ra những thách thức, nhu cầu đầu tư của vùng; tăng cường liên kết giữa các tỉnh trong vùng, liên kết vùng với TP HCM, các khu vực khác trong cả nước.
Với thông điệp “ĐBSCL hướng đến nền kinh tế xanh”, Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL - Vĩnh Long 2013 (MDEC - Vĩnh Long 2013) sẽ diễn ra vào ngày 25 – 26/11, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các Bộ, ngành Trung ương và nhiều địa phương khu vực ĐBSCL cũng như TP HCM, Hà Nội.
Có thể nói, tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, và góp phần quan trọng thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Đối tượng mà tăng trưởng xanh hướng đến là con người và vì con người, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân ra sức thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo tồn sự đa dạng sinh học, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
Ông Võ Thành Thống, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ, địa phương có nhiều hoạt động tham gia tại diễn đàn lần này cho rằng: “Thành phố Cần Thơ tiếp tục thực hiện phát triển kinh tế xanh trên 4 lĩnh vực. Riêng trong nông nghiệp, Cần Thơ tiếp tục thực hiện chương trình 3 giảm 3 tăng, gắn với cánh đồng lớn để mở rộng quy mô thực hiện. Bên cạnh đó, chúng tôi tổ chức mời gọi, triển khai 3 dự án nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn. Mặt khác tổ chức nghiên cứu chương trình phát triển giống phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu”.
Trồng hoa ở Sa Đéc, Đồng Tháp theo hướng công nghệ cao. |
Được biết, 6 sự kiện chính của MDEC – Vĩnh Long 2013 lần này tập trung vào các vấn đề thiết yếu của ĐBSCL gồm: Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội vùng ĐBSCL; Diễn đàn Doanh nghiệp vùng ĐBSCL, TP HCM và Hà Nội; Hội thảo liên kết quy hoạch phát triển các đô thị bền vững về môi trường; Hội thảo phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, sạch; Hội nghị trao đổi giữa lãnh đạo TP HCM với lãnh đạo 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và Hội nghị Ban chỉ đạo MDEC – Vĩnh Long 2013.
Nhằm chuẩn bị cho MDEC - Vĩnh Long 2013, đến nay các tỉnh, thành trong vùng đã có báo cáo hoạt động kêu gọi đầu tư. Trong đó có 138 dự án kêu gọi đầu tư với số tiền 416.000 tỷ đồng và gần 2 tỷ USD. Dự kiến, tại diễn đàn lần này sẽ trao 26 giấy chứng nhận đầu tư với tổng số tiền 6.985 tỷ đồng và trên 93 triệu USD; 5 dự án trao chủ trương đầu tư với tổng số tiền hơn 2.000 tỷ đồng; ký kết hợp đồng tín dụng với số tiền 121.000 tỷ đồng. Riêng về vận động gây Quỹ an sinh xã hội, đến nay đã được trên 650 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp...
Trồng vừng (mè) ở vùng đất cao Ô Lâm, Tri Tôn, An Giang |
Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam nêu rõ: “Lần này chúng ta rút ngắn chương trình lại, thể hiện tinh thần tiết kiệm. Trong điều kiện năm nay ngân hàng cũng rất khó khăn nhưng các ngân hàng vẫn quyết tâm thể hiện tinh thần trách nhiệm và tiếp tục đóng góp cho chương trình an sinh xã hội. Có thể nói mặc dù là vốn an sinh xã hội nhưng vẫn phải quản lý như một dự án đầu tư để đảm bảo tính nghiêm túc, hiệu quả, tránh lãng phí, tham ô lợi dụng”.
Ông Bùi Ngọc Sương - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Phó Ban Chỉ đạo MDEC - Vĩnh Long 2013 cho rằng sự kiện an sinh xã hội vùng ĐBSCL 2013 là sự kiện đặc biệt được nhấn mạnh tại diễn đàn lần này. Đây được xác định là điểm mới của MDEC - Vĩnh Long 2013 giữa bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng đã vận động, kêu gọi toàn xã hội đóng góp cho công tác này.
Có thể nói, hiệu quả của Diễn đàn kinh tế hợp tác ĐBSCL nhiều năm qua không chỉ biểu hiện qua những con số, những khoản tiền tài trợ trước mắt, mà quan trọng nhất chính là hiệu quả lâu dài của các dự án, các công trình kêu gọi đầu tư đối với sự phát triển bền vững của toàn vùng. Ông Bùi Ngọc Sương nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn thông qua diễn đàn lần này nhằm nâng cao nhận thức và hành động theo yêu cầu tăng trưởng xanh, mời gọi đầu tư vào các khu công nghiệp; ưu tiên phát triển các dự án công nghiệp, nông nghiệp xanh, hạn chế ô nhiễm, thân thiện với môi trường. Qua đó, góp phần làm giảm cường độ phát thải khí nhà kính”.
“Kinh tế xanh” được hiểu là hướng đến một tương lai không ô nhiễm; tăng trưởng mà không phá vỡ cân bằng sinh thái; phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn sự đa dạng sinh học; khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt là nâng cao nhận thức về thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL. Đây là một hướng đi đúng để ĐBSCL khai thác tối đa những tiềm năng, lợi thế của vùng theo hướng phát triển kinh tế bền vững, thân thiện./.