Tọa đàm ĐBSCL hướng tới nền kinh tế xanh
VOV.VN - ĐBSCL là vùng trọng điểm về nông nghiệp và thủy sản của cả nước.
“Đồng bằng sông Cửu Long hướng đến nền kinh tế xanh” là chủ đề tọa đàm do Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực ĐBSCL phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và UBND TP Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long tổ chức sáng 3/11.
ĐBSCL là vùng trọng điểm về nông nghiệp và thủy sản của cả nước; phát triển nền kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng theo hướng sạch, an toàn, bền vững, nhất là trong bối cảnh vùng đang đối mặt với thực trạng biến đổi khí hậu đang là một đòi hỏi cấp thiết mà nội dung cuộc tọa đàm hướng tới.
Tại buổi tọa đàm các diễn giả đã nêu lên tầm quan trọng của nền kinh tế xanh mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế, xã hội và môi trường. Đồng thời đề ra giải pháp để ĐBSCL phát triển một cách bền vững thông qua việc triển khai các công nghệ sạch, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, thân thiện với môi trường nhằm gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong vùng và cả nước.
Ông Võ Thành Thống – Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, thời gian qua Cần Thơ đã tập trung vào phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, gắn phát triển với bảo vệ môi trường; chống biến đổi khí hậu. Còn tỉnh Vĩnh Long phát triển công nghiệp luôn chú trọng đến việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh trước khi đưa vào hoạt động, chọn những dự án ít tác động đến ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, quan tâm phát triển ngành công nghiệp không khói là khu du lịch sinh thái.
Ông Bùi Ngọc Sương, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết, với vai trò là cơ quan tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước và Chính phủ về các cơ chế chính sách vùng ĐBSCL trong thời gian qua Ban Chỉ đạo luôn là cầu nối liên kết các tỉnh trong vùng thực hiện việc phát triển nền kinh tế nông nghiệp chất lượng và bền vững và phát triển ĐBSCL hướng đến nền kinh tế xanh…
Về nhiệm vụ trọng tâm này Ông Bùi Ngọc Sương nói: “Trong thời gian tới Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ sẽ cùng phối hợp với các bộ ngành, địa phương trong vùng tập trung phát triển công nghiệp ít chất thải, thân thiện với môi trường , phát triển nông nghiệp hữu cơ , sử dụng các phế phẩm nông nghiệp để làm nguyên liệu cho nông nghiệp; làm du lịch gắn gới hệ sinh thái ĐBSCL thân thiện với môi trường, xây dựng nông thôn mới để phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn và nông dân”./.