Siết chặt quản lý thị trường ở vùng cao Sơn La dịp cuối năm
VOV.VN - Thời điểm này, nhu cầu mua sắm của người dân tăng dần, thị trường hàng hóa cũng đa dạng và phong phú hơn, song đây cũng là lúc hoạt động kinh doanh, dịch vụ diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng các “gian thương” gia tăng hoạt động buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…
Những ngày cuối năm, hoạt động mua bán, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa tại huyện vùng cao Thuận Châu và huyện có vùng lòng hồ Quỳnh Nhai diễn ra sôi động khi nhiều tiểu thương tập kết hàng phục vụ Tết Nguyên đán 2023.
Được sự tuyên truyền, quản lý thường xuyên của Đội quản lý thị trường số 5, Cục quản lý thị trường tỉnh Sơn La, đa số các tiểu thương đều thực hiện hoạt động kinh doanh, buôn bán theo quy định của pháp luật; các loại hàng hóa đều còn hạn sử dụng, có hóa đơn, nguồn gốc rõ ràng.
“Trong đợt Tết này, nhu cầu của khách hàng tăng cao, mình nhập hàng cũng nhiều; nhiều nguồn cung cấp hàng hóa, nhiều đại lý đến chào mời hàng nhưng mình cũng phải lựa chọn đại lý nào uy tín, chất lượng hoặc những công ty, đơn vị đảm bảo về chất lượng hàng hóa, có đầy đủ tem, mác, thời hạn sử dụng… để đảm bảo chất lượng phục vụ cho bà con”, chị Vũ Thị Hương, chủ cửa hàng tạp hóa Hương Vững ở tiểu khu 2, thị trấn Thuận Châu, huyện Thuận Châu chia sẻ.
Tuy nhiên, lợi dụng địa hình chia cắt phức tạp, cộng với thời điểm thị trường “nóng” dịp cuối năm, nhiều “gian thương” vẫn bất chấp buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ… để trục lợi.
Quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm, từ đầu năm đến nay, Đội quản lý thị trường số 5 đã tiến hành kiểm tra hơn 220 vụ, xử lý hơn 160 vụ, tổng số tiền thu phạt trên 480 triệu đồng.
Điển hình ngày 18/11 vừa qua, Đội đã phối hợp với các lực lượng chức năng huyện Thuận Châu, tiến hành khám xe ô tô tải mang biển kiểm soát 89C – 259.20 do ông Phạm Văn Khoái, trú tại xã Kim Động, tỉnh Hưng Yên điều khiển, đang xuống hàng tại xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu.
Tại thời điểm khám xe, trên phượng tiện có vận chuyển 90 chiếc áo khoác các loại là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá trên 20 triệu đồng. Ông Phạm Văn Khoái là lái xe kiêm chủ hàng, khai nhận có mua số hàng hóa trên không có hóa đơn, chứng từ, đang trên đường vận chuyển vào địa bàn để tiêu thụ thì bị phát hiện và bắt giữ.
Qua làm việc, ông Khoái đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình; Đội trưởng Đội QLTT số 5 đã có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 8,5 triệu đồng, đồng thời tịch thu toàn bộ số hàng hóa theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Đào Vũ Hoàng, Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Sơn La cho biết, các loại hàng lậu, hàng giả dịp này thường là: Thuốc lá, quần áo, rượu ngoại, pháo nổ, bánh kẹo, mỹ phẩm… với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, các đối tượng hoạt động và thường xuyên thay đổi để đối phó với lực lượng chức năng.
“Địa bàn Thuận Châu có 29 xã, 1 thị trấn, trong đó có 6 xã vùng cao đặc biệt khó khăn, để phục vụ bà con nhân dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, đội QLTT số 5 đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái trên thị trường và có những thông tin về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng kinh doanh hàng giả để tuyên truyền cho bà, giúp bà con ăn Tết an toàn, ý nghĩa”, ông Đào Vũ Hoàng thông tin.
Thực hiện đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Cục Quản lý thị trường tỉnh Sơn La tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại.
Ông Nguyễn Viết Thông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Sơn La cho biết, triển khai kế hoạch từ 15/11, sau 2 tuần, Cục Quản lý thị trường đã kiểm tra gần 100 vụ, xử lý hơn 60 vụ vi phạm, tổng số tiền thu, phạt trên 500 triệu đồng; cùng với đó đã ban hành Công văn số 557, về việc tiếp tục tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh tại vùng sâu, vùng xa, chợ đầu mối và chợ phiên, góp phần giúp nhân dân đón Tết an toàn, ý nghĩa.
“Cục Quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán pháo nổ, pháo hoa các loại; tổ chức giám sát chặt chẽ trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân, nhất là người dân ở khu vực vùng sâu, vùng xa”, ông Nguyễn Viết Thông cho biết thêm.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đã có nhiều chuyển biến tích cực, song đến nay tình trạng này vẫn chưa thể được kiểm soát hoàn toàn. Những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả sẽ còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc…
Người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức trong việc tự bảo vệ và chấp hành pháp luật trong hoạt động mua sắm, tiêu dùng, không tiếp tay cho kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả; đồng thời tích cực tham gia đấu tranh, phòng, chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần ổn định thị trường./.