Siết mua sắm công, tiết kiệm được 30.000 tỷ đồng/năm
VOV.VN-Nếu triển khai mua sắm tập trung toàn bộ các hàng hóa, dịch vụ như ở một số nước thì hàng năm dự kiến sẽ tiết kiệm chi ngân sách là 30.000 tỷ đồng/năm.
Tại cuộc họp báo chuyên đề mới đây của Bộ Tài chính, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản cho biết: Số lượng xe ô tô công của nước ta là khá lớn (gần 40.000 xe ô tô công chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang nhân dân, doanh nghiệp nhà nước).
Trong khi đó, công tác quản lý vẫn còn gặp những khó khăn vướng mắc cần khắc phục như: hiện tượng mua xe vượt tiêu chuẩn, định mức; việc điều chuyển xe ô tô giữa các đơn vị không đúng thẩm quyền quy định; quy định về khoán kinh phí xe ô tô hầu như không được áp dụng; việc sử dụng xe ô tô vào việc riêng, sử dụng xe sai đối tượng, sử dụng xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc với các chức danh không đủ tiêu chuẩn định mức vẫn diễn ra....
Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ ban hành Quyết định số 179/2007 ngày 26/11/2007 cho phép thí điểm việc tổ chức mua sắm tài sản, hàng hoá từ ngân sách nhà nước theo phương thức tập trung từ năm 2008. Việc thí điểm được áp dụng với Bộ Tài chính và 23 Bộ, ngành, địa phương tự nguyện đăng ký tham gia.
Kết quả cho thấy, mua sắm tập trung giúp tiết kiệm chi ngân sách do giảm giá mua, giảm chi phí thực hiện các thủ tục liên quan đến đấu thầu. Cụ thể, nếu triển khai phương thức mua sắm tập trung tốt, số tiền tiết kiệm được có thể chiếm đến khoảng 15%/tổng giá trị mua sắm.
Chi mua sắm TSNN hàng năm của Việt Nam chiếm khoảng 20% chi ngân sách, tương đương khoảng 200.000 tỷ đồng/năm. Như vậy, nếu triển khai mua sắm tập trung toàn bộ các hàng hóa, dịch vụ như ở một số nước thì hàng năm dự kiến sẽ tiết kiệm chi ngân sách là 30.000 tỷ đồng/năm./.