"Siêu Ủy ban" quản vốn sẽ giảm thiểu xung đột lợi ích ở các bộ?
VOV.VN - "Siêu Ủy ban" quản lý vốn Nhà nước dự kiến thành lập trong quý 1/2018 được kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Trước thực trạng, doanh nghiệp Nhà nước lâu nay dù nắm giữ nguồn lực vốn Nhà nước rất lớn nhưng khâu quản lý, giám sát còn nhiều bất cập, không ít tập đoàn, tổng công ty làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Tổ công tác thực thi việc thành lập Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Nhiều tập đoàn sẽ chịu sự quản lý của "Siêu" Ủy ban (Ảnh minh họa: kt). |
Theo đó, "siêu" Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp dự kiến được thành lập ngay trong quý 1/2018, được nhiều chuyên gia kinh tế ủng hộ và kỳ vọng sẽ giúp chấm dứt tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, ngăn chặn lợi ích nhóm, thất thoát vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước.
Giảm thiểu xung đột lợi ích, thu gọn DNNN
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giống như một "siêu ủy ban", bởi đây là cơ quan sẽ quản lý hơn 20 tập đoàn và tổng công ty nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực từ năng lượng, giao thông vận tải đến nông nghiệp, lương thực, quy mô vốn lên tới 5 triệu tỷ đồng.
Tới đây, khi “siêu” ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thành lập, việc quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước sẽ được thu về một đầu mối, thay vì thuộc các địa phương hay các bộ chủ quản như Công Thương, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải... như trước đây. Do đó, cũng sẽ sớm chấm dứt được tình trạng các bộ chủ quản vừa đóng vai quản lý nhà nước, vừa quản lý vốn tại doanh nghiệp, tức là “đá bóng vừa thổi còi”, rất dễ dẫn tới tiêu cực, thất thoát tài sản.
Chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển cho rằng, việc tách bạch quyền sở hữu với quyền điều hành chính sách là đúng và cần thiết. Ông Tuyển dẫn chứng thực tế, tại Bộ Công Thương có thời điểm Tổng công ty Thép Việt Nam có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh. Khi Cục Quản lý cạnh tranh chuẩn bị kiểm tra theo luật, thì lập tức một Thứ trưởng phụ trách ngành công nghiệp thép lại chỉ đạo không được làm. Vì thế, nếu cứ để bộ chủ quản vừa xây dựng chính sách vừa quản lý giám sát sẽ nảy sinh nhiều mâu thuẫn lợi ích.
“Hiện còn quá nhiều doanh nghiệp nhà nước. Có Bộ ôm rất nhiều tổng công ty, tập đoàn thành siêu bộ. Vậy nên phải tách ra, đồng thời đẩy mạnh cổ phần hoá với quan điểm những, ngành, doanh nghiệp không cần Nhà nước nắm giữ vốn thì bán hết, thu gọn đầu mối lại và cần thiết kế một mô hình quản lý hiệu quả”, ông Trương Đình Tuyển nhấn mạnh.
Cùng đồng tình với việc thành lập “siêu” Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cơ quan này sẽ giảm thiểu xung đột lợi ích ở các bộ. Nếu làm quyết liệt, sẽ đẩy nhanh được việc thu nhỏ khu vực doanh nghiệp nhà nước trước khi có thể quản lý các doanh nghiệp một cách hiệu quả.
Theo TS Võ Trí Thành, phạm vi quản lý của "siêu" ủy ban sẽ rất rộng lớn, thậm chí có thể sẽ bao gồm cả Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Theo ông Thành, đã sở hữu tài sản công thì muôn thuở có hai vấn đề đó là xung đột lợi ích và rủi ro đạo đức. Dù là tổ chức kiểu gì thì cũng phải đáp ứng 4 nguyên tắc để giảm thiểu rủi ro đến tốt nhất có thể đó là minh bạch, giám sát, năng lực và chuyên nghiệp để giảm thiểu tối đa những rủi ro đó. Thật ra mục đích ban đầu của SCIC là thu nhỏ lại khu vực doanh nghiệp Nhà nước nhưng rồi không làm được.
Nhiều thách thức đặt ra cho “siêu” ủy ban
Thực tế, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) ra đời từ năm 2005, với chức năng quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, nhưng lại trực thuộc Bộ Tài chính, nên rõ ràng vị thế pháp lý chưa đủ lớn mạnh để quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Khi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ra đời, đây sẽ là một cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ, chứ không nằm trong một bộ nào. Bởi vậy, “siêu uỷ ban” có quyền lực độc lập và chỉ chuyên chức năng đầu tư, phân bổ vốn, giám sát vốn nhà nước theo mục tiêu do Chính phủ quyết định…
Theo các chuyên gia, với trọng trách nặng nề và quy mô vốn nhà nước rất lớn, lên tới 5 triệu tỷ đồng, “siêu uỷ ban” sẽ cần một bộ máy hoạt động hiệu quả, cơ chế điều hành riêng và cơ chế phân bổ lợi nhuận từ hoạt động đầu tư vốn, sử dụng khối tài sản “khủng”… Ngoài ra, hoạt động quản lý của bộ máy này cần được tính toán kỹ để tránh thâu tóm quyền lực.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: “Người quản lý ở ủy ban này phải là người có kỹ trị chứ không chỉ là các nhà chính trị. Nếu chỉ am hiểu chính trị mà không am hiểu thị trường, không nắm rõ các nguyên tắc quản lý cơ bản thì không thể làm tốt được. Cho nên phụ thuộc nhiều vào năng lực của bộ máy đó, thành lập bộ máy như thế nào, giao cho ai làm.”
Từ thực tế nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, sai phạm nghiêm trọng, gây thất thoát vốn nhà nước thời gian qua càng cho thấy sự cần thiết phải có một tổ chức có đủ thẩm quyền, cơ sở pháp lý cùng chế tài mạnh thì mới đủ sức “quản” được những tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Thế nhưng, khi quyền điều hành được tập trung vào một tổ chức sẽ khó tránh khỏi nguy cơ lạm quyền, thậm chí hình thành lợi ích nhóm… Do đó, phải có cơ chế giám sát, thanh tra kiểm tra và quy trách nhiệm cụ thể, xử lý nghiêm minh nếu để xảy ra sai phạm, kém hiệu quả./. “Siêu” Ủy ban quản lý hơn 20 Tập đoàn và Tổng công ty
Chính phủ muốn lập “Siêu Ủy ban” quản lý vốn nhà nước
Chưa có chủ trương cuối cùng về thành lập “Siêu ủy ban“
Lập “siêu ủy ban” quản lý doanh nghiệp nhà nước liệu có khả thi?