Sinh viên kiếm tiền triệu nhờ bán hàng online
Ngoài giờ học trên lớp, Nam lại cặm cụi đục, khắc những chiếc đèn ngủ bằng gỗ để kịp giao cho khách, kiếm thêm thu nhập.
Nhà làm mộc, từ nhỏ, Nguyễn Văn Nam - sinh viên năm 2, Đại học Công nghiệp Hà Nội đã tự mày mò làm mô hình gỗ, nhà tăm để tặng bạn bè hay trang trí phòng riêng. Lên đại học, Nam theo ngành kỹ thuật nên càng đam mê lắp ráp. Tình cờ biết đến các loại đèn ngủ khắc bằng gỗ, Nam học tập kỹ thuật, sáng tạo nhiều mẫu riêng và đăng hình lên trang facebook cá nhân. Nhờ sản phẩm công phu, đẹp mắt, phù hợp với giới trẻ, bạn bè ai cũng thích và đặt mua. Từ đó, Nam nảy ra ý tưởng kinh doanh.
Mô hình đèn ngủ bằng gỗ của Nam
"Để làm được chiếc đèn ngủ từ gỗ, mình mất khoảng 2 ngày để lên ý tưởng, mua vật liệu và hoàn thiện. Khách có thể đặt theo mẫu có sẵn hoặc tự thiết kế", Nam chia sẻ.
Sau thời gian dài nghiên cứu, hiện tại, Nam có thể làm 2-3 đơn hàng mỗi ngày. Cao điểm, vào dịp lễ Tình nhân, 8/3, Nam phải làm 5-10 đèn một ngày. Trung bình mỗi tháng, anh chàng thu về 3-5 triệu đồng.
Để có được thu nhập mơ ước, Nam đã trải qua rất nhiều khó khăn. Bên cạnh học, Nam còn phải gấp rút hoàn thành sản phẩm để giao hàng đúng ngày. Có hôm, do không cẩn thận, tay bị dao "chém" khá sâu, nam không thể hoàn thành đơn hàng cho khách, chấp nhận bồi thường...
Giống như Nam, Thúy Ngân - sinh viên năm 3, Học viện Bưu chính Viễn thông cũng mày mò làm dầu dừa để kiếm thêm thu nhập. Mỗi ngày, Ngân nhận hàng chục đơn, chế biến 10-20 quả dừa để giao cho khách, thu về 3-4 triệu đồng.
Cái tên "Ngân dầu dừa" trở nên quen thuộc với cô nàng từ năm nhất đại học. Với tính tự lập ăn sẵn trong máu, Ngân đi làm thêm để giúp đỡ bố mẹ.
Các sản phẩm dầu dừa trên shop online của Ngân |
Dầu dừa phù hợp với cả phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh nên lượng khách khá phong phú. Vì tự tay làm nên Ngân có thể đảm bảo và kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Giá chỉ từ 30.000 đồng đến 100.000 đồng nên khách tìm đến ngày càng nhiều. Tuy nhiên, do sản phẩm chỉ bán theo mùa, thu nhập của Ngân cũng chưa ổn định. Mùa đông thời tiết hanh khô, Ngân bán hàng rất chạy, kiếm về 6-7 triệu đồng một tháng.
"Để làm được một mẻ dầu dừa đạt chuẩn, mình phải mất 1-2 ngày xay, lọc, chưng cất. Vào mùa thi, khách đặt rất nhiều nhưng mình không có thời gian làm đành ngậm ngùi từ chối", Ngân chia sẻ.
Hiện tại, Ngân còn kinh doanh thêm chuốt mi, dầu gấc để phục vụ chị em. Cô nàng còn tuyển thêm cộng tác viên để giảm bớt công việc đồng thời tạo điều kiện cho các bạn sinh viên khác kiếm thêm thu nhập.
Không giống như Ngân, Nam, Nguyễn Thùy Trang, sinh viên năm 3 Đại học Thủy Lợi có ý tưởng kinh doanh "mạo hiểm". Khi đăng ký một lớp maketing online, Trang "choáng" vì những kiến thức mới mẻ này. Tự nhận thấy mình quá kém cỏi, sau khóa học, cô nàng bắt tay vào hành trình kinh doanh online đầu tiên để "thử sức".
Trang bắt đầu kinh doanh đồng hồ theo yêu cầu với giá từ 400.000 đồng đến vài triệu đồng. Tháng đầu tiên, khách đặt hàng cũng khá nhiều nhưng chủ yếu là bạn bè. Tiền lãi thu về cũng được 1-2 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó, khách hàng ngày càng ít. Có tháng, cô chỉ được 1-2 đơn, lãi không đủ chi trả xăng xe, chi phí chuyển hàng.
Thất bại trong lần đầu tiên, Trang quyết tâm "phục thù". Lần này, cô nghiên cứu kỹ thị trường, tìm đối tượng tiềm năng. Tìm được mối hàng quần áo giá rẻ và địa chỉ gia công, Trang bắt đầu bán áo đồng phục, nhóm. Nhờ mối quan hệ bạn bè sẵn có, cô tìm được nhiều mối làm áo. Dù chỉ nhận được vài hợp đồng nhưng do số lượng lớn nên lãi cũng tăng theo. Mỗi tháng, Trang có thể kiếm được 5-6 triệu đồng.
Hiện nay, việc kinh doanh online được khá bạn trẻ lựa chọn để khởi nghiệp. Đối với sinh viên, việc kinh doanh có lãi mà vẫn đảm bảo việc học rất khó khăn. Theo kinh nghiệm của Trang, ngoài việc lên kế hoạch kinh doanh chi tiết, sinh viên cần phân chia thời gian biểu hợp lý, biết điểm dừng để tránh tình trạng bỏ bê việc học./.