Số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Nam nhiều nhất khu vực miền Trung
VOV.VN - “Mỗi xã một sản phẩm” (gọi tắt là OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng nội lực và phát triển gia tăng giá trị, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2018. Tại tỉnh Quảng Nam, sau hơn 5 năm triển khai, số lượng sản phẩm được công nhận OCOP cao nhất khu vực miền Trung và nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Cùng với việc tập trung xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP đạt chất lượng cao, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối tiêu thụ, góp phần đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng.
Nhiều năm nay, sản phẩm ngũ cốc của Hợp tác xã Nông nghiệp Xanh Duy Oanh, ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam được nhiều người biết đến. Trải qua nhiều công đoạn chế biến, Hợp tác xã này cho ra đời nhiều dòng sản phẩm như trà gạo lứt, bột ngũ cốc, bột gạo lứt, bánh gạo lứt, thanh gạo lứt hạt và rong biển.. đảm bảo 100% không chất bảo quản.
Mỗi năm, Hợp tác xã này cung ứng ra thị trường 3 tấn ngũ cốc, doanh thu đạt 1,5 tỷ đồng. Tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm- OCOP", sản phẩm ngũ cốc Duy Oanh được nâng tầm giá trị. Người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến nhiều hơn. Hiện nay, Hợp tác xã này đã liên kết với nông dân địa phương phát triển nguồn nguyên liệu lúa, mè, sen, đậu… mở rộng quy mô sản xuất.
Bà Phạm Thị Duy Mỹ, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Xanh Duy Oanh cho biết, năm 2021, sản phẩm bột ngũ cốc Duy Oanh được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao và đang hướng đến 4 đến 5 sao.
“Hiện tại thương hiệu bột ngũ cốc Duy Oanh gồm có 11 sản phẩm chủ lực, gồm ngũ cốc dinh dưỡng và 4 loại hạt đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao và đang nâng cấp lên 4 sao năm 2023. Hợp tác xã của chúng tôi với mục đích liên kết sản xuất nông nghiệp tạo ra sản phẩm từ nông sản của địa phương cùng kết hợp với các nguồn lực của địa phương để phát triển. Chúng tôi được sự hỗ trợ, quan tâm của các cấp lãnh đạo địa phương" - bà Mỹ chia sẻ.
Đến nay, huyện Duy Xuyên có 17 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó, 4 sản phẩm đạt 4 sao, 13 sản phẩm đạt 3 sao. Từ năm 2018 đến nay, nhiều chủ thể tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Duy Xuyên đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm và chú trọng cải tiến mẫu mã, bao bì để tăng sức cạnh trạnh trên thị trường.
Ông Văn Phú Nam, Chủ cơ sở sản xuất Nem chả Nam Khánh, ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên cho biết, mỗi ngày, cơ sở này xuất bán ra thị trường 1 tạ chả các loại. Sản phẩm Nem chả Nam Khánh được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Theo ông Văn Phú Nam, Chương trình OCOP đã góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp, Hợp tác xã và người dân phát huy sáng tạo, tạo điều kiện để các loại hình kinh tế ở nông thôn phát triển:
Ông Văn Phú Nam cho biết: “3 năm trở lại đây, cơ sở sản xuất chả phát triển mạnh, mỗi tháng bán ra lãi trên 100 triệu đồng. Chúng tôi tiếp tục mở rộng cơ sở để đầu tư thêm máy móc, mở rộng thị trường, tạo việc làm cho nhiều lao động. Mong muốn chính quyền địa phương kết nối, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường. Tham gia sản phẩm OCOP chất lượng sản phẩm đảm bảo, khách hàng ngày càng nhiều hơn, họ tin tưởng sản phẩm vệ vệ an toàn thực phẩm của mình".
Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, chính quyền huyện Duy Xuyên hỗ trợ gần 2 tỷ đồng giúp các chủ thể có điều kiện phát triển sản xuất.
Ông Nguyễn Chí Công, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, các cơ sở đã mạnh dạn đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến quy mô nhỏ và vừa, nhất là những sản phẩm OCOP đã đạt chuẩn hạng 3 đến 4 sao. Các ngành chức năng thường xuyên tổ chức tập huấn, phổ biến chính sách hỗ trợ vốn vay, hướng dẫn các chủ thể thiết kế bao bì, tem nhãn... Đồng thời, kết nối với nhà phân phối trong và ngoài tỉnh để hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững.
Ông Nguyễn Chí Công, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Đối với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm" - OCOP, địa phương đã từng bước tạo ra thương hiệu cho nông sản của địa phương, xây dựng được chuỗi giá trị hướng đến đưa sản vật của địa phương ra thị trường. Trên cơ sở triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP thời gian qua đã đạt kết quả thiết thực mang lại từ chương trình và đã tạo cho động lực, cho các chủ thể tích cực tham gia”.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã tạo động lực để các cơ sở sản xuất, Hợp tác xã nông nghiệp nông thôn ở tỉnh Quảng Nam đổi mới tư duy trong sản xuất, chuẩn hóa từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, tăng năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Đến nay, tỉnh Quảng Nam có 350 sản phẩm OCOP của 260 chủ thể, gồm hộ kinh doanh, Hợp tác xã, tổ hợp tác. Đã có nhiều sản phẩm đi vào chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, giúp kinh tế nông thôn phát triển. Một số sản phẩm OCOP còn hướng đến xuất khẩu đi nhiều nước trong khu vực. Tỉnh Quảng Nam cũng đã hình thành 10 điểm, trung tâm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP của địa phương. Qua đó, chất lượng sản phẩm dần được nâng cao, tạo ra doanh thu tăng hơn so với trước khi tham gia chương trình.
Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết: “Phấn đấu để tất cả những sản phẩm nông nghiệp được sản xuất và đưa vào tham gia chuỗi liên kết. Từ đó người nông dân cũng như các chủ thể, Hợp tác xã được hưởng lợi ổn định trong tổ chức sản xuất. Trong quá trình sản xuất, các chủ thể được hỗ trợ về mặt kỹ thuật, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ một phần trang bị máy móc thiết bị để chế biến. Trong quá trình liên kết đã hình thành những sản phẩm OCOP, chương trình OCOP để phát triển ra thị trường.
Hiện nay, chúng tôi phối hợp với ngành Công Thương để đẩy mạnh trong vấn đề tiêu thụ theo sàn thương mại điện tử. Qua quá trình theo dõi thấy được hiệu quả , đồng thời kiểm soát được chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm".