So sánh thu nhập của phi công 2 hãng hàng không Việt
Thu nhập bình quân của phi công Vietjet Air lên tới 180 triệu/tháng thì thu nhập của đồng nghiệp bên phía Vietnam Airlines là 121 triệu/tháng.
Trong sự việc hàng loạt phi công của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN) nộp đơn xin nghỉ việc gần đây, các phi công đã nhắc tới việc môi trường làm việc không được đảm bảo, gây bức xúc, ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần của các người lao động. Mức lương họ nhận được tại công ty cũng quá thấp so với mặt bằng chung của ngành hàng không...
Thu nhập bình quân phi công Vietnam Airlines 121 triệu/tháng
Thông tin thu nhập mới nhất của các phi công, tiếp viên hàng không Vietnam Airlines được nêu trong Báo cáo thường niên năm 2017. Theo đó, tiền lương, thưởng của các cán bộ quản lý, chuyên viên, kỹ sư, tiếp viên năm vừa qua đã tăng từ 10-15% theo chức danh, nhóm chức danh so với năm 2016. Riêng đối với phi công, mức thu nhập từ lương và thưởng đã tăng 5%. Đi kèm với đó là các chế độ đãi ngộ, quyền lợi khác như bảo hiểm hưu trí tự nguyện, miễn giảm cước vé mới...
Mỗi phi công của Vietnam Airlines nhận được mức thù lao khoảng 121 triệu/tháng năm 2017. (Ảnh: Hoàng Hà) |
Trong khi đó, năm 2016, mức lương bình quân phi công Vietnam Airlines nhận được là 115,3 triệu/tháng (gần 1,4 tỷ/năm), theo dữ liệu tại báo cáo công bố hồi giữa năm 2017 của hãng hàng không này. Mức thu nhập của phi công cao hơn thù lao các lãnh đạo hãng này nhận được. Mức lương này cũng đã tăng 5% so với năm 2015.
Như vậy, với mức tăng 5%, năm 2017 thu nhập bình quân của các phi công tại đây vào khoảng 121 triệu đồng/tháng (1,45 tỷ đồng/năm).
Nhận được mức lương cao vượt trội so với các vị trí khác nhưng tỷ lệ tăng lương ở vị trí phi công lại thấp hơn nhiều so với các vị trí công tác còn lại trong nhiều năm qua.
Cụ thể, năm 2016, bình quân mỗi tiếp viên hàng không tại đây nhận được 25,5 triệu/tháng (306 triệu/năm), và năm 2017 đã tăng thêm 10-15%, tương đương mức thu nhập không dưới 28 triệu đồng/tháng.
Báo cáo thường niên của hãng hàng không này cũng cho biết tính đến hết năm 2017 hãng có tổng cộng 6.708 người lao động, trong đó, phi công và tiếp viên chiếm 41% nguồn nhân lực, đạt 2.778 người. Con số này giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước 6.199 nhân sự, với 2.910 người là phi công và tiếp viên.
Số liệu được Vietnam Airlines đưa ra cũng cho hay năm vừa qua mỗi lao động giúp hãng thu về tới 9,82 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 16% so với năm 2016. Số lượng khách/km cũng tăng 9% đạt 5,15 triệu khách/km cho nhân viên.
Thu nhập phi công Vietjet Air gần gấp rưỡi Vietnam Airlines
Trong khi cả quy mô hoạt động kinh doanh và doanh thu của Công ty cổ phần Hàng không Vietjet - Vietjet Air (VJC) thấp hơn nhiều so với Vietnam Airlines thì phi công của hãng hàng không giá rẻ này lại được chi trả mức thu nhập "hậu hĩnh" hơn nhiều so với những người đồng nghiệp tại Vietnam Airlines.
Cụ thể, báo cáo thường niên 2017 của Vietjet Air cho biết năm qua hãng có tổng cộng 3.162 nhân viên (bình quân 62 nhân viên/tàu bay), trong đó, bao gồm 499 phi công, 1.046 tiếp viên và 592 kỹ sư hàng không.
Trong khi thu nhập bình quân của nhân viên chỉ đạt 15 triệu đồng/tháng/người thì thu nhập của phi công tại đây lên tới 180 triệu đồng/người/tháng, tương đương 2,16 tỷ đồng mỗi năm, cao hơn phi công Vietnam Airlines tới gần 49%.
Ngoài mức lương vượt trội, các phi công và nhân viên của hãng hàng không giá rẻ này cũng được thực hiện đầy đủ các chính sách về bảo hiểm đồng thời được tham gia các chương trình đào tạo. Trung bình số giờ đào tạo/mỗi nhân viên khoảng 2% số giờ làm việc mỗi năm.
Bên cạnh việc nêu ra mức lương quá thấp so với mặt bằng chung của ngành hàng không, các phi công tại Vietnam Airlines cũng cho biết thu nhập của phi công Việt Nam và phi công ngoại là rất lớn.
Là hãng hàng không giá rẻ nhưng Vietjet Air lại chi thu nhập cho phi công hậu hĩnh hơn đối thủ. (Ảnh: Hoàng Anh) |
Trước đó, hàng loạt phi công của Vietnam Airlines đã gửi đơn kiến nghị với 16 chữ ký trực tiếp gửi đến Phó thủ tướng Trương Hòa Bình phản ánh về việc hãng hàng không quốc gia đang vi phạm Luật Lao động, môi trường làm việc không đảm bảo. Cùng với đó là các bất cập đang tồn tại và khẳng định đã nhiều lần đối thoại với doanh nghiệp trong nhiều năm, nhưng không nhận được hợp tác.
“Trong 3 năm qua chúng tôi đã đối thoại với VNA rất nhiều nhưng không nhận được sự hợp tác. Môi trường làm việc không được đảm bảo, gây bức xúc trong công việc cần đảm bảo sự an toàn tuyệt đối, ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần của các phi công. Lương phi công cũng quá thấp so với mặt bằng chung của ngành hàng không...”, nội dung đơn nêu./.
Nhiều phi công Vietnam Airlines xin thôi việc
Máy bay của Vietnam Airlines liên tiếp gặp trục trặc trong dịp nghỉ lễ