Sợ sụp đổ toàn hệ thống, Hy Lạp đóng cửa tất cả ngân hàng
VOV.VN-Hành động này của Hy Lạp sau khi cuộc đàm phán về cứu trợ tài chính giữa Chính phủ Hy Lạp và các chủ nợ nước ngoài không thành công.
Theo Reuters, Hy Lạp đã áp dụng biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ toàn hệ thống ngân hàng và tạm thời đóng cửa tất cả các ngân hàng trong vòng 1 tuần, kể từ hôm qua (28/6).
Hành động này của Hy Lạp sau khi cuộc đàm phán về cứu trợ tài chính giữa Chính phủ Hy Lạp và các chủ nợ nước ngoài không thành công vào cuối tuần qua, và Ngân hàng Trung ương châu Âu từ chối hỗ trợ kinh phí cho các ngân hàng Hy Lạp.
Người dân xếp hàng chờ rút tiền bên ngoài chi nhánh Ngân hàng Quốc gia trên đảo Crete – Hy Lạp hôm 28/6. Ảnh: Reuters |
Các ngân hàng của Hy Lạp sẽ đóng của tất cả các ngày trong tuần này, và sẽ giới hạn trần cho hoạt động rút tiền từ ATM chỉ tối đa 60 euro/ngày. Ngân hàng sẽ có thể hoạt động trở lại từ thứ Ba tuần sau (7/7), nhưng biện pháp kiểm soát vốn có thể sẽ vẫn kéo dài trong nhiều tháng nữa.
Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Hy Lạp, ông Alexis Tsipras, cho biết: “Chúng ta cần bình tĩnh hơn trong đối phó với những khó khăn, như thế sẽ vượt qua khó khăn sớm hơn và giảm thiệt hại”. Ông Alexis Tsipras cũng hứa rằng, tiền gửi ngân hàng sẽ được an toàn và lương vẫn sẽ được chi trả.
Mặc dù Thủ tướng trấn an như vậy, nhưng trong thực tế, người dân Hy Lạp vẫn xếp hàng dài trước các trạm xăng, máy ATM còn tiền mặt… Điều này đang thể hiện rõ hơn mức độ nghiêm trọng của tình hình và thảm họa có thể đến với người dân Hy Lạp, những người vốn đã sống trong cảnh suy giảm kinh tế suốt 6 năm qua.
Thất bại trong thỏa thuận với các chủ nợ, Hy Lạp sẽ phải trả khoản nợ 1,6 tỷ euro cho IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế) vào 30/6 này, và Athens còn phải trả hàng tỷ euro cho Ngân hàng Trung ương châu Âu trong những tháng tới.
Bối cảnh hạn chót trả nợ Hy Lạp đã cận kề, nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp hiệ rõ càng khiến những hậu quả khôn lường cho Hy Lạp khi mà quốc gia này sẽ phải ra khỏi khu vực các nước sử dụng đồng euro (Eurozone), đồng thời còn đe dọa tới cả hệ thống tài chính toàn cầu.
Sau nhiều tháng tranh cãi, các đối tác châu Âu đã nổi giận khi hôm 27/6, Thủ tướng Tsipras bất ngờ bác bỏ các yêu cầu của chủ nợ, trong đó có cắt giảm lương hưu và tăng thuế, và kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 5/7. Một ngày sau, đến lượt các bộ trưởng tài chính của Eurozone lắc đầu trước đề nghị của ông Tsipras về việc kéo dài chương trình cứu trợ Hy Lạp hiện thời thêm 1 tháng, tính từ ngày 5/7. Hành động từ chối này của eurozone khiến ông Tsipras thốt lên trên truyền hình là “hành động chưa từng có”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi Thủ tướng Đức Angela Merkel và các các quan chức cấp cao Mỹ hối thúc châu Âu và IMF nỗ lực duy trì đồng tiền chung cũng như giữ Hy Lạp ở lại Eurozone. Các chính phủ của Đức và Pháp cũng thông báo họp khẩn.
Thủ tướng Pháp Manuel Valls cũng thúc giục Hy Lạp quay lại bàn đàm phán. Bản thân Thủ tướng Manuel Valls không muốn Hy Lạp rời khu vực đồng euro. Ông kêu gọi tìm một giải pháp./.