SWIFT nhìn nhận thế nào về hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam?
VOV.VN - Tổ chức kết nối tài chính ngân hàng đánh giá cao hệ thống tái chính của Việt Nam trong việc tái cơ cấu và tăng cường tính bảo mật.
Gắn kết các cộng đồng tài chính cùng hợp tác để hình thành các luật chơi của thị trường, xác định các tiêu chuẩn và trao đổi về các vấn đề liên quan đến lợi ích chung của ngành tài chính ngân hàng là mục tiêu của Tổ chức toàn cầu SWIFT.
Với việc đẩy mạnh xu hướng đổi mới hoạt động thanh toán tuân thủ quy định, các định hướng an toàn trên phạm vi toàn cầu và khu vực, SWIFT đã tạo ra cách thức kết nối liên tục để các doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh của mình, và cách mà các ngân hàng có thể hỗ trợ tốt hơn nhu cầu của khách hàng tại Việt Nam.
Ông Alain Raes, Giám đốc điều hành SWIFT phụ trách khu vực châu Âu, Trung Đông, châu Á - Thái Bình Dương. |
Tái cơ cấu ngân hàng là xu hướng tất yếu
Tại Diễn đàn “Doanh nghiệp SWIFT Việt Nam”, ông Alain Raes, Giám đốc điều hành phụ trách khu vực châu Âu, Trung Đông, châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hảng sẽ làm cho hệ thống các ngân hàng ở Việt Nam được củng cố và trở nên mạnh hơn.
Không chỉ ở Việt Nam, việc tái cơ cấu hệ thống các tổ chức ngân hàng đã được tiến hành ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ngay ở Bỉ, sau khi trải qua quá trình tái cơ cấu ngân hàng ban đầu với khoảng 25 ngân hàng nhưng đến nay chỉ còn 3 ngân hàng. Có thể thấy rõ, đây là quá trình tái cơ cấu rất lớn và không thể phủ nhận tính hiệu quả của quá trình tái cơ cấu này.
“Việt Nam đã có hệ thống tài chính ngân hàng phát triển rất nhanh, tuy nhiên đây phải là một hệ thống phát triển hiệu quả, không nhất thiết phải tăng về số lượng. Sẽ cần có rất nhiều những tiêu chí để các định chế tài chính cần xây dựng, hoặc các cơ quan lập pháp cũng đưa ra những tiêu chí nhất định để làm cho hệ thống tài chính được an toàn hơn”, ông Alain Raes chỉ rõ.
Theo kinh nghiệm của SWIFT, trải qua các cuộc khủng hoảng tài chính ngân hàng đã diễn ra trên thế giới, kết quả cho thấy lĩnh vực này cuối cùng vẫn có khả năng thoát ra được khỏi khủng hoảng từ chính những người đóng thuế. Hiện tượng khủng hoảng không ai mong muốn sẽ xảy ra, tuy nhiên các định chế tài chính nhất định cần phải xây dựng cho được những tiêu chí cụ thể.“Các tiêu chí này cần phải được hoàn thành bởi bất cứ một ngân hàng nào để có thể quản lý rủi ro tốt hơn. Cơ cấu của ngành tài chính ngân hàng Việt Nam cũng không nằm ngoài quỹ đạo phát triển, theo những thông lệ và chuẩn mực chung của quốc tế khi có những tiêu chí hoạt động chuẩn mực”, ông Alain Raes nói.
Theo đánh giá của đại diện SWIFT, trải qua quá trình tái cơ cấu ngân hàng ở các quốc giá có thể sẽ khiến lượng khách hàng giảm đi nhưng về lượng giao dịch lại tăng lên, khối lượng giao dịch ngân hàng dù ở hình thức nào vẫn chỉ có thể tăng lên chứ không hề giảm đi.
An ninh, an toàn trong giao dịch là ưu tiên hàng đầu
Nhằm đảm bảo tăng cường tính bảo mật thông tin cũng như an toàn đối với các giao dịch tài chính - ngân hàng, xét ở góc độ vận hành, ông Alain Raes cho biết, khi hệ thống tài chính - ngân hàng thực hiện các giao dịch, ví dụ như việc thực hiện lệnh chuyển tiền luôn phải đảm bảo các thành tố liên quan, tương tự như khi muốn xúc tiến các hoạt động thương mại, hoặc thực hiện công tác giao dịch thanh toán quốc tế… việc bảo mật thông tin cần đảm bảo rằng giao dịch được thanh toán kịp thời, đúng lúc nhưng phải đảm bảo được an toàn cho giao dịch đó.
Theo kinh nghiệm từ SWIFT, các tổ chức tài chính ngân hàng cần lưu ý đến việc đảm bảo an ninh thông tin, đặc biệt là vấn đề an ninh về con người. Ở SWIFT, tổ chức này luôn coi đội ngũ nhân viên là những tài sản quý trong một tổ chức lớn. Đội ngũ nhân viên luôn “mang gen AND” đảm bảo được tính bảo mật thông tin và giữ an ninh tốt nhất, xác đinh an toàn trong giao dịch luôn là sự ưu tiên hàng đầu đối với các nhân viên của SWIFT.
Cùng với đó, SWIFT đã và đang tham gia khoảng 40% những giao dịch đầu tư vào công nghệ thông tin (IT) nhằm đảm bảo tăng cường tính bảo mật thông tin cũng như an toàn đối với các giao dịch. Hiệu quả từ việc này có thể thấy được trong 40 năm hoạt động của mình, SWIFT đã không để mất bất kì giao dịch nào liên quan đến việc rò rỉ, lộ bảo mật thông tin.
Dung lượng giao dịch tại Việt Nam chưa đạt mức mong muốn
Theo ông Alain Raes, SWIFT luôn hỗ trợ việc phát triển kinh doanh tại bất cứ quốc gia nào. Hiện nay tại Việt Nam, SWIFT đã có 86 khách hàng và luôn cố gắng đảm bảo những khách hàng này có thể sử dụng những hạ tầng kết nối với SWIFT về tất cả những giao dịch hay hạ tầng thị trường đã được thiết lập giống như một ngân hàng trung ương.
Ông Alain Raes lấy ví dụ, hiện nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã cung cấp những dịch vụ thanh toán thông qua những kết nối về đặc quyền. Nhưng đối với những ngân hàng thương mại ở Việt Nam, họ vẫn phải sử dụng tất cả các hệ thống khác nhau để có thể giao dịch và thể kết nối với hệ thống thanh toán của Ngân hàng Nhà nước, hay có thể kết nối với với SWIFT nếu như họ muốn có những giao dịch quốc tế.
Tuy nhiên, khi tất cả các bên có nhu cầu tham gia từ Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng trung ương cho đến các ngân hàng thương mại khi sử dụng SWIFT sẽ như một hệ thống thanh toán một cửa duy nhất, cùng với một chuẩn mực duy nhất và nhất quán để có thể áp dụng cho hệ thống của mỗi ngân hàng.
Mục tiêu và chiến lược của SWIFT tại Việt Nam. |
Ông Alain Raes khẳng định, SWIFT xây dựng một nền kinh tế quy mô cho tất cả các ngân hàng trên thế giới. Mục tiêu của SWIFT khi xây dựng một nền kinh tế quy mô đó là thực hiện bằng được phương châm “càng thực hiện nhiều giao dịch thì chi phí càng rẻ đi”.
Tuy nhiên, ông Alain Raes cũng nhận thấy, ở nhiều quốc gia vẫn muốn thể hiện bản sắc riêng với việc sử dụng hệ thống giao dịch nội địa thay vì sử dụng những hệ thống có nền tảng quốc tế. Do đó, để đảm bảo và duy trì độ tin cậy giữa các đối tác khi thực hiện các chức năng giao dịch hết sức thuận tiện vẫn cần phải đạt được khối lượng giao dịch ở mức độ nhất định nào đó.
“Việt Nam cũng là một quốc gia có dân số tương đối đông, nhưng SWIFT cũng chưa thể đảm bảo được dung lượng giao dịch tăng trưởng như mức mong muốn. Trong khi nguyên tắc hoạt động của SWIFT vẫn là khi mức giao dịch càng lớn, số lượng khách hàng càng tăng thì chi phí giao dịch sẽ càng giảm”, ông Alain Raes bày tỏ./.
SWIFT cung cấp các nền tảng thông tin, các sản phẩm và dịch vụ phục vụ hoạt động kết nối hơn 10.800 ngân hàng, các cơ quan chứng khoán và các khách hàng doanh nghiệp trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. SWIFT đã đánh dấu quá trình 20 năm cung cấp dịch vụ cho cộng đồng tài chính tại Việt Nam bằng việc cam kết đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cũng như đẩy mạnh kết nối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương.