VAMC nên cho nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần
VOV.VN -Với năng lực hiện tại, VAMC nên kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài để tăng tỷ lệ đòn bẩy tài chính của mình.
Công ty quản lý tài sản (VAMC) đã chính thức đi vào hoạt động. Nhiều người đặt kỳ vọng lớn vào VAMC trong việc giải quyết “cục máu đông” nợ xấu. VAMC đi vào hoạt động nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi về cách thức mua bán nợ xấu, hoạt động của công ty này. VOV online có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu về nội dung này.
Ông Nguyễn Trí Hiếu (ảnh V.H) |
PV: Thưa ông, VAMC với sứ mệnh giải quyết được 100.000 tỷ nợ xấu là một nhiệm vụ hết sức nặng nề. Vậy với những gì đã có trong tay, theo ông VAMC làm được hay không?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng là quyết tâm chính trị của đất nước và toàn ngành ngân hàng. Thành ra, chúng ta không đặt ra câu hỏi là liệu họ làm được chuyện đó không mà họ phải thực hiện, không có lựa chọn nào khác. Để thực hiện được sứ mệnh của VAMC, trước mắt nhìn thấy một số vấn đề mà chúng ta phải giải quyết.
Thứ nhất là khả năng tài chính có đủ mạnh để giải quyết đống nợ xấu 100.000 tỷ không? Theo quan điểm tài chính, với vốn điều lệ 500 tỷ để giải quyết 100.000 tỷ thì tỷ lệ đòn bẩy lên đến 1/200 lần. Thành ra, với một công ty tài chính mà tỷ lệ đòn bẩy như vậy thì chắc chắn họ không đủ khả năng để giải quyết số nợ khổng lồ. Chỉ cần mua khoảng 10 món nợ , mỗi món 50 tỷ, mà món nợ đó hầu như không thu hồi được thì tất cả vốn điều lệ của VAMC bị tiêu hết. Để VAMC thực hiện được sứ mệnh đó thì Chính phủ phải có cam kết với nền kinh tế là sẽ bổ sung vốn vào cho VAMC bất cứ lúc nào (lúc nào cũng phải bảo toàn 500 tỷ) qua NHNN hoặc cơ quan nào đó của Bộ Tài chính. Nhưng cách này cũng chưa thỏa đáng với hệ thống tài chính.
Cách thứ hai, để thỏa mãn được hệ thống tài chính, Chính phủ đứng ra bảo lãnh tất cả trái phiếu của VAMC, hoặc là Chính phủ và NHNN bảo lãnh 100% trái phiếu của VAMC. Đó là cách hay nhất nhưng vấn đề là ngân sách. Ngân sách thì không đủ thì làm sao xử lý được 100.000 tỷ nợ xấu. Nếu phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu thì Chính phủ có bảo lãnh hay không? Đây là bài toán mà chính phủ phải suy xét.
PV: Với các tiêu chí mua nợ được đưa ra, theo ông có đủ sức thu hút các NHTM mang nợ xấu đến VAMC?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: VAMC phải thay đổi một số qui chế. Cho đến bây giờ, VAMC chỉ mua một số nợ như: phải là nợ 3 tỷ đồng, 60% bảo đảm bằng tài sản bất động sản, người đi vay có khả năng phục hồi… Những qui định đó quá chặt chẽ, phải nới qui định đó ra.
Chỉ có khi nào nới qui định này thì các NHTM mới mạnh dạn bán nợ cho VAMC. Còn bây giờ, các NHTM đẩy nợ xấu xuống để tránh việc bán, vì bán ra không có lợi.
Với các quy định hiện tại của VAMC thì không có lợi lắm khi bán nợ nhưng đó chỉ là giai đoạn đầu. Giai đoạn sau mua đứt bán đoạn thì các NHTM sẽ bán nợ cho VAMC. Tóm lại, theo tôi các quy định món nợ bán cho VAMC nên nới lỏng thì mới khuyến khích NH có nợ xấu không có tài sản bảo đảm đủ bán nợ xấu.
PV: Trái phiếu của VAMC không được bảo lãnh của Chính phủ hoặc NHNN thì có gì đặc biệt, thưa ông?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Đặc biệt ở chỗ, các NHTM khi nắm các trái phiếu đó không được phép chuyển nhượng trên thị trường chứng khoán mà chỉ được đem đến Ngân hàng Trung ương (NHTƯ) triết khấu. NHTƯ biết rõ với tỷ lệ đòn bẩy tài chính 1/100 là không có giá trị. Thành ra, cho các NHTM bán ra thị trường thứ cấp thì có lẽ cũng không ai dám mua. Tỷ lệ triết khấu đến giờ này mọi người còn chưa biết. Mỗi năm các NHTM phải dự phòng giảm giá cho trái phiếu này 20%, sau 5 năm tất cả giá trị trái phiếu bằng 0.
PV: Vốn điều lệ VAMC chỉ 500 tỷ đồng. Vậy có nên cho nước ngoài mua cổ phần VAMC?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Đó cũng là cách để VAMC tăng vốn thực hiện sứ mệnh của mình.
Có 2 cách VAMC mua nợ xấu: mua trên giá trị sổ sách phát hành trái phiếu đặc biệt; hoặc mua nợ xấu theo giá trị thực tế thì cần tiền tươi và phải có tỷ lệ chiết khấu giữa NHTM và VAMC. Trường hợp này đúng là cần tiền đầu tư của nước ngoài vào VAMC.
PV: Với cách thức như vậy tỷ lệ bán cho nhà đầu tư nước ngoài bao nhiêu là hợp lý, thưa ông?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: VAMC là 100% vốn của NHNN nếu NHNN muốn bảo vệ quyền của mình thì có thể bán 49%.
PV: Việc định giá mua bán nợ xấu theo giá trị sổ sách liệu có khả thi và nên thực hiệ như thế nào để đảm bảo VAMC có lãi và người bán không bị thua thiệt?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Giá trị sổ sách không thay đổi, 100 tỷ lúc mượn cách đây 4-5 năm thì vẫn còn nguyên nhưng trừ đi dự phòng rủi ro ví dụ là 10 tỷ còn 90 tỷ - giá trị VAMC sẽ mua và trao lại 90 tỷ trái phiếu đặc biệt trên danh nghĩa.
Định giá thị trường mới khó. 100 tỷ với hoàn cảnh khó khăn của DN thì có thể chiết khấu tới 90%, giá trị còn lại 10%.
PV: Vậy mua theo giá trị sổ sách có phải là VAMC đang cầm dao đằng lưỡi?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Không, VAMC rất khôn, mua giá trị sổ sách trong 5 năm thì các NHTM vẫn phải là người xử lý nợ xấu. Sau 5 năm không xử lý được thì NHTM phải lấy lại nợ đó và ôm số nợ này. Như thế hoàn toàn không có rủi ro với VAMC mà rủi ro là chính NHTM vì họ bán nợ đi, không biết được chiết khấu và hưởng bao nhiêu và phải trích lập dự phòng. Việc bán trên giá trị sổ sách hoàn toàn không rủi ro cho VAMC mà bán theo giá thương lượng (thị trường) mới đem lại rủi ro.
VAMC chỉ là công cụ vấn đề chính của nợ xấu thì phải nhiều Bộ, ngành cùng chung tay giải quyết, VAMC chỉ là 1 liều thuốc còn bác sĩ giải quyết nợ xấu là cả NH, DN và CP. Không nên kỳ vọng nhiều quá vào VAMC
PV: Theo ông, với năng lực và điều kiện thực tế, trong năm nay VAMC có thể xử lý được bao nhiêu nợ xấu?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Tôi dự báo năm nay, có lẽ trong 4-5 tháng tới, VAMC có thể giải quyết 20-30.000 tỷ nợ xấu.
PV: Xin cảm ơn ông!