Tăng 500% lượng hàng dự trữ tại hệ thống siêu thị TP.HCM

VOV.VN - Tại các chuỗi siêu thị lớn, nguồn hàng dự trữ vẫn được duy trì trong giai đoạn chống dịch tăng từ 150 - 500% so với thông thường.

Bắt đầu từ 8 giờ sáng nay (7/7), chợ đầu mối nông sản Thủ Đức tạm dừng các hoạt động tập kết giao hàng, mua bán trực tiếp. Như vậy, đến nay cả 3 chợ đầu mối lớn của TP.HCM cung cấp khoảng 70% lượng hàng hóa tiêu dùng đều phải tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Sở Công Thương TP.HCM khẳng định đã chủ động các phương án, tăng cường nguồn cung từ các hệ thống phân phối hiện đại và doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường để bổ sung nguồn hàng hóa tạm thời bị giảm do 3 chợ đầu mối tạm ngừng hoạt động.

Trong thời gian đóng cửa cả 3 chợ đầu mối lớn của TP.HCM, việc cung cấp hàng hóa sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, tiểu thương tại các chợ cũng đã thay đổi hình thức vận chuyển, giao nhận hàng, tổ chức giao dịch đưa hàng trực tuyến hay trực tiếp đến các chợ truyền thống, đảm bảo hàng hóa được lưu thông, tránh đứt gãy nguồn cung khi chợ đầu mối đóng cửa.

Sở Công Thương TP.HCM cũng đã kích hoạt nhiều phương án, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Trong đó, phối hợp với các hệ thống phân phối lớn, các doanh nghiệp bình ổn thị trường chủ lực tổ chức điểm bán hỗ trợ cho những địa bàn có các điểm bán phải tạm ngưng hoạt động. Đồng thời, phối hợp Sở Giao thông vận tải tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa để người dân yên tâm phòng chống dịch.

Hiện nay, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) đã tiến hành tăng trữ hàng hóa thiết yếu và nâng cao mức độ chống dịch tại toàn hệ thống bán lẻ. Bà Vũ Nguyễn Diễm Thi, Giám đốc Marketing Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho biết, lượng lương thực thực phẩm không thiếu, thậm chí rất phong phú, người tiêu dùng không nên mua sắm dồn dập, gây quá tải hệ thống phân phối.

“Từ trưa ngày 6 đến sáng 7/7, lượng khách dồn tới các siêu thị mua sắm, số lượng đơn hàng online của các siêu thị cũng tăng gấp đôi. Trong bối cảnh hiện tại lượng lương thực, thực phẩm không thiếu, thậm chí rất phong phú. Nhưng mà do tâm lý người dân dồn dập đổ về các kênh mua sắm khiến cho siêu thị và các cửa hàng, các trang bán hàng online đều đang quá tải cục bộ”, bà Thi cho biết.

Từ kinh nghiệm trong việc phân phối khẩu trang, hàng hóa trong những đợt trước đây, bà Thi cho rằng, người dân không nên nôn nóng tích trữ hàng hóa và cũng không nên mua sắm dồn dập, sẽ tạo nên một áp lực lớn gây quá tải hệ thống phân phối, dẫn đến nguy cơ tắc nghẽn. Saigon Co.op đang nỗ lực hết sức để có thể phục vụ hàng hóa ngay tại siêu thị vừa đáp ứng nhu cầu tăng đột biến cục bộ trên các kênh online mới.

Hiện nay, hàng hóa không thiếu nhưng quan trọng nhất là vấn đề vận chuyển, cung ứng đến tay người tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, hạn chế đi lại. Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương TP.HCM phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch; đề nghị các doanh nghiệp phân phối cam kết bình ổn giá hàng hóa thiết yếu, bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong hệ thống phân phối, nhất là tại địa phương có dịch bệnh.

Tại các chuỗi siêu thị lớn, nguồn hàng dự trữ vẫn được duy trì trong giai đoạn chống dịch tăng từ 150 - 500% so với thông thường. Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, tại các địa phương dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động thương mại vẫn diễn ra bình thường; tình hình hàng hóa trên thị trường cơ bản ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng phương án bảo đảm cung cầu hàng hóa, lưu thông, tiêu thụ nông sản ứng phó với các mức độ của dịch Covid-19.

“Dịch bệnh diễn biến rất nhanh là một trong những thách thức của mạng lưới phân phối và điều quan trọng làm sao để duy trì được hệ thống mạng lưới phân phối. Trong thời gian đóng cửa một số chợ đầu mối, cần phải có giải pháp để đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu. TP.HCM đã đưa ra những giải pháp sáng tạo, tổ chức các địa điểm bán hàng lưu động hay bán hàng qua thương mại điện tử... Thêm vào đó, tính liên kết giữa các tỉnh, thành phố hỗ trợ lẫn nhau được đánh giá rất cao, nhất là các hệ thống phân phối lớn đang đưa lực lượng của mình về tập trung hỗ trợ TP.HCM”, bà Nga cho biết.

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, TP.HCM là địa phương có số bệnh nhân mắc Covid-19 được công bố cao nhất cả nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đóng cửa 3 chợ đầu mối, TP.HCM thiếu hàng hoá cục bộ vài nơi
Đóng cửa 3 chợ đầu mối, TP.HCM thiếu hàng hoá cục bộ vài nơi

VOV.VN - Nguồn cung về chợ truyền thống không ổn định, dẫn đến một số nơi thiếu hàng cục bộ khiến mặt hàng thực phẩm xanh tăng giá so với những ngày trước.

Đóng cửa 3 chợ đầu mối, TP.HCM thiếu hàng hoá cục bộ vài nơi

Đóng cửa 3 chợ đầu mối, TP.HCM thiếu hàng hoá cục bộ vài nơi

VOV.VN - Nguồn cung về chợ truyền thống không ổn định, dẫn đến một số nơi thiếu hàng cục bộ khiến mặt hàng thực phẩm xanh tăng giá so với những ngày trước.

TP.HCM đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu
TP.HCM đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu

VOV.VN - Để bình ổn thị trường và bảo đảm hàng hoá thông suốt, Sở Công Thương TP.HCM đã kích hoạt nhiều phương án, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.

TP.HCM đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu

TP.HCM đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu

VOV.VN - Để bình ổn thị trường và bảo đảm hàng hoá thông suốt, Sở Công Thương TP.HCM đã kích hoạt nhiều phương án, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.

Không để đứt gãy nguồn cung hàng hóa thiết yếu trong mọi tình huống
Không để đứt gãy nguồn cung hàng hóa thiết yếu trong mọi tình huống

VOV.VN - Trước diễn biến dịch bệnh Covid-19 đã lây lan ra hơn 50 tỉnh, thành phố, đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương khẳng định, các địa phương vẫn đảm bảo các phương án cung ứng hàng hóa.

Không để đứt gãy nguồn cung hàng hóa thiết yếu trong mọi tình huống

Không để đứt gãy nguồn cung hàng hóa thiết yếu trong mọi tình huống

VOV.VN - Trước diễn biến dịch bệnh Covid-19 đã lây lan ra hơn 50 tỉnh, thành phố, đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương khẳng định, các địa phương vẫn đảm bảo các phương án cung ứng hàng hóa.