Tăng tổng cầu đầu tư phát triển kinh tế-xã hội
VOV.VN - Thủ tướng đánh giá việc tăng tổng cầu còn chậm, nợ xấu còn nặng nề, việc tiếp cận vốn khó khăn, giá nông sản xuống thấp...
Ngày 1/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3. Phiên họp tập trung đánh giá tình hình kinh tế, xã hội tháng 3 và cả quý I vừa qua, đồng thời thống nhất các biện pháp đồng bộ nhằm tiếp tục tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả toàn diện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong các tháng và quý tiếp theo.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong quý I, các bộ, ngành và các địa phương đã tích cực triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, qua đó đã đạt được những kết quả tích cực, đúng hướng.
Nổi bật là lạm phát được kiềm chế, giá cả, thị trường khá ổn định, cung cầu hàng hóa được bảo đảm, trong đó lạm phát tháng 3 giảm 0,44% so với tháng trước và có mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. GDP quý I tăng 4,96% cao hơn cùng kỳ 2 năm trước với sự tăng trưởng của cả 3 khu vực công - nông nghiệp và dịch vụ.
Kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách quí I cũng tăng so với cùng kỳ năm trước. Lãi xuất điều chỉnh giảm dần đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong quý I có 4.600 doanh nghiệp ngừng hoạt động nay đã quay trở lại hoạt động, tăng gần 49% so với quí IV năm ngoái…
Một số vấn đề nổi lên đáng chú ý trong quý I là tình hình sản xuất nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết. Nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi cá tra giảm sút và chưa có dấu hiệu hồi phục. Mặc dù lãi suất đã giảm đáng kể nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn chưa được cải thiện nhiều. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn còn ở mức khá cao.
Trước tình hình này, nhiều ý kiến thành viên Chính phủ đề xuất cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là khai thông dòng vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn tín dụng hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại cũng như tập trung xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu đi liền với kích thích, phát triển thị trường nội địa...
Trên cơ sở các ý kiến đánh giá của các thành viên Chính phủ cũng như kết quả tổng thể trong cả quý I, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực, tạo tiền đề để Chính phủ phấn đấu đạt được kết quả cao hơn trong những quý tới.
Thủ tướng cũng chỉ rõ: Những tồn tại, hạn chế cần tập trung chỉ đạo giải quyết, trong đó nổi lên là việc tăng tổng cầu còn chậm; nợ xấu còn nặng nề; việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn khó khăn; giá nông sản xuống thấp...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp. |
Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành và lãnh đạo các địa phương tiếp tục bám sát Nghị quyết 01 của Chính phủ để triển khai đồng bộ, đồng thời các nhiệm vụ theo từng lĩnh vực được phân công. Trước hết cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo và dành nguồn lực để tăng tổng cầu đầu tư.
“Cần tăng tổng cầu đầu tư, trong đó cố gắng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, do đó cần nghiên cứu, xác định nhu cầu và đối tượng vay mới của doanh nghiệp, hộ kinh doanh vay.... Hơn hết, cần xem xét với những khoản vay trước đây với lãi suất cao trong hoàn cảnh khó khăn cần phải tìm cách tháo gỡ. Tuy nhiên, tăng tổng dư nợ tín dụng cũng phải gắn liền với chất lượng tín dụng, làm sao để đảm bảo được định mức cho vay nhưng không kéo theo nợ xấu. Do đó, đẩy mạnh tín dụng cũng cần phải gắn với tiếp tục giải quyết nợ xấu bằng nhiều giải pháp. Chúng ta không thể nôn nóng xử lý ngay 1 ngày, 1 bữa được, việc này phải kiên trì, xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu các ngân hàng”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, quan tâm bố trí vốn đối ứng các dự án ODA gắn với làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, nhất là các công trình giao thông trọng điểm.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung quyết liệt đồng bộ các biện pháp duy trì và tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt giá cả thị trường; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh bằng những việc làm cụ thể và thiết thực; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh phát triển thị trường trong và ngoài nước; chủ động, tích cực đàm phán để sớm ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương quyết liệt hơn nữa trong tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu ngân hàng; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước với trọng tâm là cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Đồng thời tập trung tái cơ cấu nông nghiệp; triển khai hiệu quả hơn Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng như tạo điều kiện hỗ trợ người nông dân vay vốn để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần...
Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành và chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông; chủ động, kiên quyết đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm hình sự, tội phạm ma túy gắn với quyết liệt đấu tranh phòng chống buôn lậu ở khu vực biên giới...
Thủ tướng cũng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội; chủ động phòng chống dịch bệnh trên người, gia súc, gia cầm và ưu tiên nguồn lực để xây dựng các công trình dân sinh thiết yếu, nhất là chương trình nhà chống lũ miền Trung.
Liên quan đến việc tổ chức Đại hội thể thao châu Á (Asiad 19), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL ngay trong tuần tới báo cáo trực tiếp Thủ tướng Chính phủ phương án, kế hoạch cụ thể tổ chức sự kiện này.
Một lần nữa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ trưởng, lãnh đạo ngành và lãnh đạo các địa phương tiếp tục chủ động cung cấp thông tin chính xác, khách quan, kịp thời cho các cơ quan báo chí, tạo sự đồng thuận trong xã hội cùng chung sức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm nay./.