Tháng 4, trình Chính phủ xem xét khung trình độ quốc gia
VOV.VN-Nếu được Chính phủ phê chuẩn, dự kiến, khung trình độ quốc gia sẽ được thực hiện tại các trường ĐH, CĐ và dạy nghề từ năm 2015.
Sáng 21/3, Hội đồng Anh tổ chức Hội thảo “Tầm nhìn- tương lai giáo dục đại học (ĐH) của các nước ASEAN”. Hội thảo nhằm giúp cho các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo các trường ĐH chuẩn bị tốt hơn đón đầu những cơ hội cũng như thách thức để cải tiến, nâng cao chất lượng giảng dạy bậc ĐH.
PGS. TS Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết, với tiềm lực kinh tế ngày càng lớn mạnh, được dự báo sẽ là thị trường độc lập lớn thứ 4 trên thế giới trước năm 2030, khu vực ASEAN đang đứng trước bối cảnh có nhiều thay đổi, đặt nền giáo dục ĐH trước những kịch bản khác nhau, đòi hỏi hướng hành động phù hợp và sáng tạo.
Đến 2015, Việt Nam gia nhập cộng đồng ASEAN nên sẽ có sự dịch chuyển giữa sinh viên, nguồn nhân lực giữa các nước trong khu vực |
Đến năm 2015, Việt Nam gia nhập cộng đồng ASEAN nên sẽ có sự dịch chuyển giữa sinh viên, nguồn nhân lực giữa các nước trong khu vực. Đứng trước sự hòa nhập đó, Việt Nam đang thực hiện Đề án Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đào tạo ở tất cả các cấp học, trong đó có bậc ĐH.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang cho phép các trường ĐH tự chủ tuyển sinh nhưng vẫn phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng đào tạo, nguồn nhân lực vẫn phải đáp ứng được yêu cầu xã hội và hội nhập với khu vực cũng như trên thế giới. Để nguồn nhân lực có thể đáp ứng được yêu cầu khi đến năm 2015 Việt Nam gia nhập cộng đồng ASEAN, Bộ GD-ĐT đã và đang phối hợp cùng với các Bộ, ngành khác cũng như các doanh nghiệp trong và ngoài nước hướng dẫn nâng cao trình độ, cũng như tìm kiếm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ĐH.
Đến năm 2012, khoảng 130 nước trên thế giới đã có khung trình độ (KTĐ) quốc gia. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam là một trong 4 nước vẫn chưa xây dựng hoàn chỉnh KTĐ quốc gia (cùng với Campuchia, Lào và Myanmar). Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang cùng với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hoàn tất các công đoạn xây dựng KTĐ quốc gia, dự kiến trình Chính phủ xem xét vào tháng 4/2014. Nếu được Chính phủ phê chuẩn, dự kiến, KTĐ quốc gia này sẽ được thực hiện tại các trường ĐH, CĐ và dạy nghề từ năm 2015. Điều đó cũng đồng nghĩa là việc giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ và dạy nghề trong cả nước sẽ có sự thay đổi căn bản và toàn diện.
Bà Emilly Darlington, đại diện đến từ Tổ chức Liên minh các trường ĐH Vương quốc Anh (University Alliance), cho rằng, viễn cảnh tương lai của nền giáo dục ĐH khu vực ASEAN tới năm 2035 có rất nhiều cơ hội và thách thức lớn. Nếu nước nào biết tận dụng được nguồn lao động trẻ có trình độ và năng lực cao thì sẽ nhanh chóng đưa nền nền giáo dục và kinh tế phát triển. Tuy nhiên, thách thức đối với các nước là phải có sự thay đổi căn bản hệ thống giáo dục ĐH trong tổng thể sự thay đổi của thế giới.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận những những nhân tố ảnh hưởng lớn tới giáo dục ĐH, chính sách và phương án để nền giáo dục ĐH các nước liên thông và hội nhập với nhau…/.