Thái Bình khắc phục sản xuất nhỏ, manh mún trong nông nghiệp
VOV.VN - Tỉnh Thái Bình phấn đấu từ nay đến năm 2025, ngành nông nghiệp tăng trưởng trung bình từ 2%/1 năm trở lên. Mỗi huyện có ít nhất 2 sản phẩm chủ lực, có thương hiệu và thị trường tiêu thụ.
Để thực hiện được mục tiêu đề ra, tỉnh Thái Bình tiếp tục mở rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo chuỗi liên kết, từng bước hình thành vùng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, bền vững, thân thiện với môi trường.
Quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa dành cho những nông dân có khả năng về vốn, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm sản xuất có khát vọng vươn lên làm giàu, tổ chức sản xuất theo kiểu trang trại với quy mô dưới 50 ha làm vệ tinh, liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp. Có cơ chế chính sách hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm, hàng năm cấp không dưới 50% kinh phí bảo vệ đất lúa cho việc phát triển giống mới, ứng dụng công nghệ mới, liên kết tiêu thụ nông sản.
Ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết, phấn đấu đến năm 2025, tỉnh có tới một nửa diện tích lúa sản xuất gạo hàng hóa chất lượng cao, các xã đều có vùng chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học, toàn tỉnh có trên 1.000 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 26 vùng nuôi thủy sản nước ngọt tập trung, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển nuôi tôm nước lợ công nghệ tiên tiến.
“Giải pháp đột phá thời gian tới là sắp xếp lại phương thức sản xuất với quy mô lớn, theo chuỗi, liên kết để tạo ra sản phẩm đủ tiêu chuẩn tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu. Cụ thể là giải quyết 3 thách thức ở Thái Bình, trong đó lớn nhất là sản xuất nhỏ, manh mún, trên 6.000 hộ sản xuất, nhiều người dân bỏ ruộng hoang.
Chuyển dịch lao động nông thôn đang diễn ra mạnh mẽ, 30% lao động nông thôn không để ý đến sản xuất nông nghiệp nữa, 30% coi sản xuất nông nghiệp là phụ, 30% còn lại là người trên 50 tuổi; do thiếu lao động nông nghiệp, đặc biệt là thiếu lao động chất lượng cao, dẫn đến ruộng bỏ hoang và hệ số sử dụng đất lãng phí, không hiệu quả, vòng quay của đất giảm xuống chỉ còn 2,2 lần, trước đây là 2,5 đến 2,8 lần…” - ông Đinh Vĩnh Thụy cho biết./.