Thanh khoản ngân hàng sẽ khó khăn hơn trong quý cuối năm?
VOV.VN-VDSC nhận thấy có những yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng đến thanh khoản ngoại tệ cuối năm, điều này ít nhiều tác động đến thanh khoản của tiền đồng.
Báo cáo chiến lược đầu tư tháng 10/2015 của Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố có phân tích về thanh khoản của hệ thống ngân hàng nước ta trong quý IV/2015. Trong đó, VDSC dự báo: “Thanh khoản của hệ thống ngân hàng sẽ khó khăn hơn trong quý cuối năm”.
Cụ thể, VDSC dẫn số liệu sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tốc độ tăng trưởng huy động trong quý 3 vừa qua có dấu hiệu chững lại khi chỉ tăng thêm 2,8%, mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng ghi nhận mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm (~4,5%).
Theo VDSC, thông thường, quý cuối năm là quý cao điểm của tăng trưởng tín dụng, vì vậy, câu hỏi đặt ra là liệu việc lệch pha giữa tăng trưởng huy động và cho vay có ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý 4/2015?
Theo quan sát của VDSC, diễn biến gần đây trên thị trường liên ngân hàng và OMO tương đối ổn định, lãi suất cả hai thị trường giảm cho thấy thanh khoản của hệ thống đang tốt. Ngoài ra, tỷ lệ cho vay/huy động của toàn hệ thống tính đến cuối tháng 9 cũng chỉ ở mức 76,5%, điều này cho thấy chưa có sự mất cân đối giữa huy động và cho vay. Dù vậy, như đã đề cập ở trên, quý cuối năm thường là quý cao điểm của tăng trưởng tín dụng, nhu cầu vốn trên thị trường liên ngân hàng thường tăng nhẹ ~10% trong các năm trước.
Bên cạnh đó, VDSC nhận thấy có những yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng đến thanh khoản ngoại tệ cuối năm, điều này ít nhiều tác động đến thanh khoản của tiền đồng. Cụ thể, tháng 11, IMF sẽ quyết định việc thêm/không thêm đồng NDT vào rổ tiền tệ dự trữ quốc tế. Nếu có, áp lực mất giá của đồng NDT sẽ giảm đi nhờ nhu cầu đối với đồng tiền này từ các NHTW. Ngược lại, sự thất bại trong việc hiện thực hóa tham vọng quốc tế hóa đồng NDT rất có khả năng gây ra áp lực mất giá đối với đồng tiền này, từ đó, gây rủi ro cho sự ổn định của tỷ giá USDVND. Ngoài ra, theo những ghi nhận gần đây, xác suất cao là FED sẽ nâng lãi suất trong cuộc họp FOMC vào tháng 12.
Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2015 có yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng gắn với bảo đảm chất lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý; đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, tăng cường kiểm soát và xử lý nợ xấu.
Từ góc độ của nhà điều hành, VDSC nhận thấy NHNN đã có những bước chuẩn bị cho vấn đề trên. Việc giảm lãi suất huy động USD gần đây là một ví dụ, song song với đó là dự thảo thông tư thay thế thông tư 43 giúp giảm bớt áp lực nhu cầu ngoại tệ trong cuối năm.
Việc kiểm soát room tăng trưởng tín dụng cũng là cách NHNN hay sử dụng, tuy nhiên, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 17% cho cả năm 2015, mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong quý cuối năm cũng khoảng 6,2%, mức cao nhất kể từ năm 2012 đến nay.
Như vậy, “các chính sách đã và đang thực thi mang tính xoa dịu hơn là kiểm soát được hoàn toàn. NHNN có thể dùng dự trữ ngoại hối để đảm bảo mục tiêu ổn định tỷ giá, ổn định thanh khoản của hệ thống ngân hàng, tuy nhiên, dự trữ ngoại hối đang giảm. Theo ước tính của VDSC, dự trữ ngoại hối từ đầu năm đến nay đã giảm hơn 7 tỷ USD”-VDSC đánh giá.
Còn theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài của Việt Nam mới nhất do Vụ Dự báo, thống kê (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) thực hiện cho thấy: Thanh khoản của toàn hệ thống TCTD liên tục được duy trì ở trạng thái ổn định, tích cực, tương đối dồi dào. 90% TCTD nhận định thanh khoản của đơn vị mình đang ở trạng thái tốt đối với cả VNĐ và ngoại tệ, 9% nhận định trạng thái thanh khoản ổn định và chỉ có 1% TCTD nhận định trạng thái thanh khoản chưa được như mong muốn./.