Thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam được báo Đức ca ngợi
Báo Tài chính của Đức ngày 2/1 có bài viết đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội của Việt Nam.
Trong đó nhấn mạnh Việt Nam sẽ hướng tới một mô hình tăng trưởng bền vững mới, dựa trên việc thúc đẩy đổi mới, công nghệ cao và một nền kinh tế xanh, tri thức.
Báo trên dẫn các số liệu mới nhất cho biết Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng gần 6% trong năm 2014, mức cao nhất trong bốn năm qua.Ngoài ra, mức lạm phát 4,09% cũng là mức thấp nhất trong 10 năm qua, dưới mức dự đoán 5% trước đó của Chính phủ.
Theo các chuyên gia, mức lạm phát thấp không chỉ do giá dầu giảm mạnh mà còn do sự ổn định của đồng tiền Việt Nam. Đà thâm hụt ngân sách vốn tăng trong vài năm qua đã được chặn lại và đứng ở mức 5,7% GDP.
Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Việt Nam đạt thặng dư thương mại với kim ngạch xuất khẩu 150 tỷ USD (tăng 13,6%), trong khi nhập khẩu đạt 148 tỷ USD (tăng 12,1%).
Ảnh chỉ có tính minh họa. Ảnh: Danh Lam - TTXVN
Báo trên cũng nhận xét thu nhập bình quân của người dân Việt Nam ngày một tăng lên và Việt Nam đang trở thành thị trường hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nước ngoài.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) trong năm 2014 tuy giảm nhẹ, song khối lượng vốn đầu tư thực lại tăng mạnh, chủ yếu do các tập đoàn lớn đẩy mạnh hoạt động đầu tư sản xuất như Samsung, Microsoft và Intel.
Tờ báo dẫn một báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) khẳng định các nhà đầu tư nước ngoài về cơ bản đánh giá rất tích cực môi trường đầu tư ở Việt Nam, xuất phát từ sự ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, lực lượng lao động rất chăm chỉ và có chất lượng.
Cũng theo báo trên, trong năm 2014, Việt Nam đã tạo được trên 1 triệu việc làm mới, với tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 2,08%. Đã có thêm nhiều doanh nghiệp được lập ra với tổng số vốn khởi động trung bình đạt mức cao nhất từ trước tới nay, trong khi số doanh nghiệp phá sản giảm mạnh.
Các số liệu mới nhất về kinh tế nêu trên phù hợp với dự đoán của các tổ chức quốc tế như WB, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng như các tổ chức đánh giá tín dụng Moody's và Fitch. Những số liệu này cho thấy triển vọng kinh tế lạc quan tại Việt Nam trong những năm tới.
Việc lãi suất chính phủ giảm cả về ngắn và dài hại cũng cho thấy Việt Nam đã được các nhà đầu tư đặt niềm tin và có thể dễ dàng huy động vốn từ thị trường quốc tế.
Báo Đức cũng đánh giá cao nỗ lực hội nhập nền kinh tế thế giới trong những năm gần đây nhằm đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn, theo đó Việt Nam sắp hoàn tất đàm phán một số hiệp định thương mại tự do quốc tế như với Liên minh châu Âu (EU), với Mỹ và Liên minh Hải quan (bao gồm Nga, Belarus và Kazakhstan)./.