Làn gió mới cho môi trường kinh doanh Việt Nam
VOV.VN - Những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện thể chế kinh tế đang thổi luồng không khí mới vào nền kinh tế.
Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong năm 2014 đã có những cải thiện đáng ghi nhận. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp và các cơ quan quản lý tiết kiệm được thời gian, nhân lực mà còn tạo thêm giá trị kinh tế lớn cho quốc gia, nâng cao thu nhập của người dân, doanh nghiệp.
Những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện thể chế kinh tế đang thổi luồng không khí mới vào nền kinh tế với niềm hân hoan, chờ đợi của cả cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đó là một vài kết quả được Chính phủ đưa ra sau 9 tháng triển khai Nghị quyết số 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng: những nỗ lực cải cách của Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã tạo ra những cải tiến thực sự cho môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế. Bà nói: “Môi trường kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện trong năm qua, đặc biệt là hai lĩnh vực hệ thống thông tin tín dụng quốc gia và giảm bớt chi phí thuế. Các biện pháp này không được phản ánh trong xếp hạng vừa qua vì có 1 số độ trễ về thời gian trong điều tiết, chắc chắn năm 2016 khi xếp hạng lại, chỉ số kinh doanh thuận lợi của Việt Nam sẽ cải thiện mạnh mẽ hơn. Để có thể cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ cần có các động thái tích cực hơn nữa, cần có khuôn khổ theo dõi đánh giá tác động thật sự của những chính sách cụ thể để có điều chỉnh cần thiết”.
Mặc dù có tiến bộ, nhưng thực tế, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực. Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2015 của Ngân hàng Thế giới cho thấy, nhiều chỉ số thuận lợi về môi trường kinh doanh Việt Nam chưa có sự cải thiện, thậm chí có tiêu chí còn thụt lùi so với năm ngoái như các chỉ số về khởi đầu kinh doanh tụt 5 bậc, nộp thuế tụt 2 bậc, thương mại qua biên giới tụt 1 bậc, vay vốn tụt 6 bậc, tiếp cận điện không thay đổi ở thứ hạng 135, bảo vệ các nhà đầu tư thiểu số tụt 2 bậc…
Bà Virginia Foote, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ-Việt, đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho biết: “Hiện số lượng và thời gian làm thủ tục ở Việt Nam nhiều gấp 3-4 lần các nước đối tác thương mại. Đây là một bất lợi về cạnh tranh cho Việt Nam nhưng không có nghĩa là không thể khắc phục. Việc Quốc hội Việt Nam đã thông qua nhiều luật mà tôi cho là sẽ tác động rất tích cực đến cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư đặc biệt là Luật Đầu tư sửa đổi. Trong đó, việc làm rõ sự tham gia của địa phương trong quá trình cấp phép cho các doanh nghiệp đã tương đối rõ ràng và minh bạch. Điều này sẽ tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài”.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, những chuyển biến tích cực của môi trường kinh doanh từ đầu năm đến nay đã thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của dư luận xã hội và của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, các quyết tâm thay đổi ở tầm chính sách nhiều khi không tạo ra chuyển biến thực sự của môi trường kinh doanh, do bộ máy công quyền cồng kềnh, kém hiệu quả. Tình trạng nhũng nhiễu khiến cho nhiều chính sách dù đúng vẫn rất chậm được thực thi, hoặc giảm hiệu quả thực thi.
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng: “Tôi nghĩ, bên cạnh việc thay đổi của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp với tư cách là luật khung cơ bản của môi trường kinh doanh các luật chuyên ngành cũng phải xử lý, điều chỉnh trong thời gian tới. Đẩy mạnh thủ tục hành chính, đẩy mạnh tái cấu trúc chính bản thân bộ máy nhà nước theo hướng chuyển giao các dịch vụ công cho xã hội và thị trường để tập trung nhiệm vụ của nhà nước, nỗ lực của nhà nước vào việc tạo dựng môi trường kinh doanh, kiểm tra, kiểm soát, hậu kiểm để đảm bảo có một môi trường kinh doanh lành mạnh để thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp là một việc rất quan trọng. Bên cạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp cũng là một hướng đi cần chú trọng”.
Việt Nam đang tập trung đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế thị trường, phát huy vai trò kiến tạo phát triển của Nhà nước đi đôi với phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân.
Với mục tiêu đến hết năm 2015 các chỉ số năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh Việt Nam phải đạt tối thiểu bằng mức bình quân của nhóm nước ASEAN-6, trong 2-3 năm tới, Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, người dân tin tưởng môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ thay đổi căn bản, thuận lợi hơn, cạnh tranh hơn, tạo nền tảng cho sự phát triển nhanh và bền vững.
Đây cũng là cơ hội, là nền tảng để kinh tế có sự bứt phá trong bối cảnh bẫy thu nhập trung bình đang cận kề./.