Thắt chặt tín dụng nhưng sẽ không để 5 lĩnh vực ưu tiên thiếu vốn
VOV.VN - Để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, dù phải thắt chặt tín dụng, ngành ngân hàng vẫn sẽ đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn, nhất là 5 lĩnh vực ưu tiên.
Ngày 16/4, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị “Kết nối ngân hàng-doanh nghiệp”. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chủ trì hội nghị.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị. |
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều năm qua, ngành ngân hàng đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước trong việc tháo gỡ nhiều cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, giúp các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn của các TCTD thuận lợi và nhanh chóng hơn.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp; tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tạo kế hoạch hành động của ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 và Nghị quyết 02 của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Đặc biệt, trong chính sách điều hành tín dụng năm nay, để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, dù phải thắt chặt tín dụng như thế nào đi nữa thì ngành ngân hàng vẫn sẽ đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh, nhất là 5 lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Nếu thắt chặt tín dụng thì cũng sẽ chỉ kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở các lĩnh vực rủi ro.
Tại Hội nghị, ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, 3 tháng đầu năm 2019, dư nợ tín dụng nền kinh tế tăng khoảng 2,8% so với cuối năm 2018. Nguồn vốn tín dụng được đẩy mạnh tập trung các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Trong đó, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 3,63%, tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 7,25%, tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 3,5%.
Từ năm 2014 đến nay, ngành ngân hàng đã tổ chức 1.500 buổi gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, qua đó tháo gỡ khó khăn cho 195.000 doanh nghiệp, tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay mới đạt gần 2,5 triệu tỷ đồng với lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, 9-11%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn.
Lấy ví dụ tại địa bàn Hà Nội, trong năm 2018, các TCTD đã giải ngân cho vay mới 120.000 tỷ cho 10.310 doanh nghiệp với lãi suất cho vay phổ biến 6-6,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, 8-9%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn; điều chỉnh giảm lãi suất cho vay 12.150 tỷ đồng đối với các khoản vay cũ của 1.264 doanh nghiệp. Chương trình kết nối với doanh nghiệp đã góp phần giúp Hà Nội đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cuối năm 2018 là 16,84%, dư nợ cho vay DNNVV đạt 311.696 tỷ đồng, từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thành phố đạt 7,37%.
Tuy nhiên, theo ông Tần, các chương trình, chính sách cho vay đối với doanh nghiệp hiện còn nhiều khó khăn. Nhiều DNNVV chưa đáp ứng được điều kiện vay vì năng lực tài chính hạn chế, thiếu vốn đối ứng, phương án kinh doanh thiếu khả thi, công tác hạch toán thiếu chuyên nghiệp, thông tin tài chính thiếu minh bạch trong khi lại thiếu tài sản đảm bảo ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Bên cạnh đó, phần lớn các DNNVV có quy mô nhỏ, trình độ quản lý và áp dụng khoa học vào sản xuất kinh doanh còn hạn chế; hoạt động mang tính tự phát, thiếu kế hoạch và chiến lược cụ thể./.