Thế mạnh nông nghiệp ĐBSCL chưa phát huy hiệu quả bởi liên kết lỏng lẻo
VOV.VN - Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp và người dân chưa tin tưởng nhau trong chuỗi liên kết khiến cho nông sản làm ra tiêu thụ khó và không ổn định, giá bán bấp bênh.
ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước. Tuy nhiên, có một thực trạng vẫn thấy rõ và chưa được giải quyết dứt điểm là vấn đề liên kết sản xuất chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp, người dân chưa tin tưởng nhau trong chuỗi liên kết. Chính điều này đã khiến cho nông sản làm ra tiêu thụ khó và không ổn định, giá bán thì bấp bênh.
Thực hiện chủ trương về đổi mới và phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập quốc tế, nhất là kinh tế trên lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng và phát triển nhiều mô hình cánh đồng lớn. Được triển khai từ cuối năm 2011 đến nay, Vĩnh Long đã phát triển cánh đồng lớn được hơn 14.000 ha, thu hút gần 13.000 hộ dân tham gia sản xuất, chi phí sản xuất giảm nhưng lợi nhuận tăng gần gấp đôi so với mô hình sản xuất thông thường trên cùng diện tích canh tác.
Bên cạnh những thuận lợi, việc liên kết phát triển cánh đồng lớn trong khu vực ĐBSCL cũng gặp không ít khó khăn. Điển hình như trong một cánh đồng có nhiều thửa ruộng của nhiều nông dân khác nhau nêu rất khó xây dựng cánh đồng. Ở ĐBSCL vẫn còn tình trạng giữa doanh nghiệp và người nông dân chưa có tiếng nói chung, các bên mất lòng tin lẫn nhau, khiến mô hình này không phát triển mạnh. Khi giá lúa xuống thấp một số doanh nghiệp cố tình kéo dài thời gian thu mua để ép giá nông dân, ngược lại khi giá lúa tăng cao thì nông dân lại “bẻ kèo” bán ra bên ngoài.
Chính tư duy “thương vụ và mùa vụ” của những người trong cuộc khiến mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân không bền vững, dẫn đến khả năng phát huy mô hình cánh đồng lớn kém. Nhiều doanh nghiệp thiếu vốn để duy trì và phát triển cánh đồng lớn.
Để tháo gỡ những khó khăn này, Giáo sư Võ Tòng Xuân, Anh hùng lao động, Hiệu trưởng danh dự Trường đại học Nam Cần Thơ cho biết, Nhà nước cần phải khuyến khích doanh nghiệp có đầu ra phải hợp tác với ba con nông dân trong HTX. “Đừng để cho nông dân sản xuất rồi nằm trên thớt của thương lái. Doanh nghiệp phải được nhà nước nâng đỡ trang bị cho họ những thiết bị để họ chế biến ra những nguyên liệu của nông dân thì sản phẩm có thương hiệu, có giá cao hơn, có như vậy bà con nông dân mới khá được”, Giáo sư Võ Tòng Xuân nêu rõ.
Nông sản làm ra khó tiêu thụ, trong khi doanh nghiệp lại thiếu vùng nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu thị trường và chính câu chuyện “được mùa rớt giá, được giá mất mùa” buộc phải thay đổi tư duy sản xuất. Hơn chục năm trước, Đồng Tháp đã xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, muốn nâng cao giá trị nông sản buộc phải liên kết sản xuất, người dân và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ chuỗi giá trị.
Đến nay, tái cơ cấu nông nghiệp ở Đồng Tháp đạt được nhiều kết quả, người dân và doanh nghiệp đã cùng ngồi lại với nhau để bàn câu chuyện liên kết sản xuất để nâng cao giá trị nông sản. Điển hình như trái xoài của Đồng Tháp, doanh nghiệp cam kết với người dân trong tiêu thụ, người dân trồng xoài theo quy trình theo hướng GAP để xuất khẩu sang các nước như: Mỹ, Australi, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và Trung Quốc.
Theo ông Võ Tấn Bảo, Giám đốc HTX nông nghiệp Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, diện tích xoài của hợp tác xã khoảng 140 ha, quy trình sản xuất theo hướng VietGap, GlobalGap. Doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã trong tiêu thụ, chính điều này đã gia tăng giá trị cho trái xoài. Đã không còn cảnh nông dân ngóng doanh nghiệp như trước mà giờ đây người dân chỉ tập trung sản xuất theo quy trình, kỹ thuật để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu.
“Vai trò của HTX liên kết với thành viên sản lượng hàng năm cũng có giới hạn, không được nhiều và đa số những lái ở gần thu mua nhiều. HTX cố gắng liên kết với HTX khác trau dồi kiến thức cho nông dân làm theo hướng an toàn, hướng tới số lượng nhiều để xuất khẩu vào các thị trường trong và ngoài nước”, ông Bảo nêu thực tế.
Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu – tỉnh Bến Tre cho biết, để hàng hóa vào được một thị trường nước ngoài yêu cầu cao về truy xuất nguồn gốc, vùng nguyên liệu, biện pháp canh tác và tiêu chuẩn của sản phẩm đặc biệt quan trọng. Doanh nghiệp cần phải có được vùng nguyên liệu ổn định mới dám ký các đơn hàng với đối tác, nếu không rất khó để thực hiện được đơn hàng.
Vì vậy, vai trò liên kết với người dân, hợp tác xã để có vùng nguyên liệu ổn định, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu là điều quan trọng trong chuỗi giá trị, không chỉ nâng cao được chất lượng sản phẩm mà doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định. Trước nhu cầu đặt ra, phía công ty đã cùng ngồi lại với người dân và cam kết tiêu thụ nông sản, còn người dân sản xuất theo các tiêu chuẩn đã ký kết.
“Việc liên kết mở rộng vùng trồng với các hộ dân, HTX có cùng quan điểm xây dựng chiến lược phát triển, do đó cần chọn sản phẩm phù hợp để phát triển thị trường, chọn giống để sản phẩm phát huy được tiêu chuẩn, chất lượng được người tiêu dùng chấp nhận”, bà Vy cho hay.
Liên kết sản xuất tạo ra những cánh đồng, vùng nguyên liệu lớn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp đã được các địa phương trong vùng ĐBSCL triển khai. Tuy nhiên, việc liên kết chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong đợi và điều thấy rõ nhất là chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua, nông sản khó tiêu thụ, doanh nghiệp lại thiếu nguyên liệu.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, chính vấn đề nông sản bấp bênh, nông dân và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung đã khiến cho nông sản gặp khó trong tiêu thụ. Trước những vấn đề cấp thiết đặt ra, Đồng Tháp đã tiên phong trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những năm qua, địa phương đã từng bước nỗ lực, xây dựng vùng nguyên liệu để đáp ứng các tiêu chuẩn của các nước xuất khẩu.
Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ đã giúp người dân ổn định đầu ra và từng bước thay đổi tập quán sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang vùng nguyên liệu lớn, trong đó người dân đã thay đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”.
Ông Phạm Thiện Nghĩa chia sẻ, chính vấn đề liên kết đã đã giúp người dân cùng hợp tác sản xuất với mục tiêu mua chung, bán chung, dùng chung và giá thành sản xuất giảm, khi đó lợi nhuận của người dân tăng lên và sự kết nối chặt chẽ giữa người dân và doanh nghiệp đã giúp sản phẩm làm ra ổn định và nâng cao giá trị.
“Trong thời gian qua, Đồng Tháp đã chuyển đổi từ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hình thành những tổ hợp tác đặc biệt nhất là hội quán để những người nông dân cùng ngồi bàn bạc đến một nền nông nghiệp tốt. Có được cánh đồng lớn để cùng chung sản xuất, giảm giá thành, nâng cao sản lượng chế biến tinh mới nâng cao được giá trị. Đặc biệt nhất là đảm bảo được sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn không chỉ trong nước còn ở thị trường chuẩn quốc tế”, ông Nghĩa cho biết.
Thực trạng cho thấy, thời gian qua vấn đề liên kết sản xuất chưa thực sự bền vững, người dân và doanh nghiệp chưa có tiếng nói chung, chính điều này làm cho việc tiêu thụ nông sản gặp khó. Doanh nghiệp thiếu nguyên liệu để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu, còn nông dân lo lắng khi tới vụ thu hoạch và bị ép giá. Vì vậy, để phát huy vai trò liên kết giữa doanh nghiệp, người dân cần có sự chung tay của chính quyền trong khâu trung gian, khi đó sự liên kết mới được đảm bảo, chặt chẽ và từ đó mới hình thành những vùng chuyên canh, nguyên liệu lớn đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường./.