Cẩn trọng khi mua riêng lẻ gói súp Acecook “Hảo Hảo tôm chua cay”
VOV.VN - Acecook Việt Nam không bán riêng các gói súp của mì ăn liền “Hảo Hảo tôm chua cay”, do đó các hình thức kinh doanh riêng gói súp này có dấu hiệu không đảm bảo về chất lượng và nguồn gốc và trái pháp luật.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD - Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay trên thị trường xuất hiện một số hình thức kinh doanh liên quan đến sản phẩm mì ăn liền ‘Hảo Hảo tôm chua cay” có dấu hiệu không đảm bảo về chất lượng và nguồn gốc.
Cụ thể, trên thị trường xuất hiện hình thức quảng cáo và bán riêng gói súp của mì ăn liền “Hảo Hảo tôm chua cay”; Quảng cáo và bán thùng mì Hảo Hảo với các chi tiết như: Gói mì trong thùng đã bị rạch ra để lấy gói súp bán riêng; Gói mì được dán và đóng thùng lại để bán với giá 75.000 đồng/thùng (ghi rõ thùng mì không có gói súp); Đơn vị bán hàng không phải là Nhà phân phối của Acecook Việt Nam…
Cục CT&BVNTD cũng đã tiếp nhận thông tin phản ánh của Công ty CP Acecook Việt Nam (Acecook Việt Nam) về hành vi kinh doanh, buôn bán gói súp Acecook “Hảo Hảo tôm chua cay” trái pháp luật.
Theo Cục CT&BVNTD, các hình thức kinh doanh nêu trên đều tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng tới chất lượng của sản phẩm. Bởi lẽ, việc gói mì bị xé để lấy gói súp không chỉ làm giảm mức độ bảo quản mà còn tác động trực tiếp tới chất lượng của vắt mì và gói súp.
Ngoài ra, khi tách gói súp ra bán riêng, thông tin về về hạn sử dụng sẽ không được thể hiện trên gói súp, dẫn tới người tiêu dùng không thể nhận biết được thời hạn sử dụng. Đồng thời, theo ghi nhận phản ánh của người tiêu dùng đến Cục CT&BVNTD, đã có hiện tượng bán các gói súp giả, mạo danh thương hiệu “Hảo Hảo tôm chua cay”.
Trên cơ sở các thông tin và hiện tượng nêu trên, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời cảnh báo về hành vi kinh doanh không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, Phòng Bảo vệ người tiêu dùng - Cục CT&BVNTD lưu ý người tiêu dùng hiểu rõ việc Acecook Việt Nam không bán riêng các gói súp của mì ăn liền “Hảo Hảo tôm chua cay”.
Trước khi thực hiện giao dịch mua bán hàng hoá, người tiêu dùng cần xác minh, tìm hiểu kỹ thông tin của đơn vị bán hàng; có thể thông qua các công cụ tìm hiểu, các đánh giá (review) về cửa hàng và sản phẩm… để tăng mức độ hiểu biết, hỗ trợ cho quyết định đặt hàng của mình.
Người tiêu dùng nên lựa chọn giao dịch mua hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử có uy tín, đặc biệt là các sàn thương mại điện tử đã được Bộ Công Thương, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận, cho phép hoạt động.
Người tiêu dùng khi mua hàng hóa cần kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hường dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ.
Khi phát hiện các hành vi vi phạm liên quan đến sản phẩm, người tiêu dùng có thể liên hệ với Tổng đài Tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng của Cục CT&BVNTD, đầu số 1800.6838, để được tư vấn các quy định pháp lý về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi thấy quyền lợi người tiêu dùng của mình bị xâm phạm./.