Cuộc họp của OPEC+ tác động gì đến thị trường dầu mỏ thế giới?
VOV.VN - Ngày 3/8, các thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC và các nước đồng minh (OPEC+) sẽ nhóm họp nhằm thảo luận chính sách sản lượng cho tháng 9.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh OPEC có Tổng thư ký mới là ông Haitham Al-Ghais và nhóm này phải đối mặt với lời kêu gọi từ Mỹ về việc tăng thêm nguồn cung, mọi quyết định được đưa ra tại cuộc họp lần này đều được cho là sẽ ảnh hưởng mạnh đến thị trường dầu mỏ thế giới.
Ngay trước thềm cuộc họp của nhóm OPEC+, giá dầu thế giới đã tăng nhẹ khi chốt phiên hôm 2/8, giá dầu WTI của Mỹ tăng 53 cent, tương đương 0,6% lên 94,42 USD/thùng, trong khi dầu thô Brent tăng 51 cent, tương đương 0,5% lên 100,53 USD/thùng.
Đây là mức tăng nhẹ hiếm hoi của giá dầu trong những tháng qua khi kết thúc giao dịch tháng 7, cả giá dầu Brent và WTI đều chứng kiến tháng trượt giá thứ hai liên tiếp kể từ năm 2020, do lạm phát tăng vọt và lãi suất được đẩy lên cao đã làm gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế và kéo giảm nhu cầu nhiên liệu.
Trong bối cảnh, Mỹ tiếp tục kêu gọi các quốc gia OPEC tăng sản lượng dầu ra thị trường nhằm đối phó với sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga, thì nhiều nguồn tin cho thấy khả năng nhóm này tăng sản lượng là không cao, thậm chí sẽ giữ nguyên sản lượng trong tháng 9 tới.
Trả lời phỏng vấn tờ Alrai của Kuwait ngày 31/7, Tổng thư ký mới của OPEC ông Haitham Al-Ghais khẳng định, OPEC không kiểm soát giá dầu và đang điều chỉnh thị trường dựa trên quy luật cung cầu. Theo ông Haitham Al-Ghais, tình trạng hiện tại của thị trường dầu là “rất bất ổn và hỗn loạn”.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia Thái tử Faisal Bin Farhan Al Saud cho biết, nhóm sẽ lắng nghe các yêu cầu tuy nhiên việc tăng hay giảm sản lượng sẽ phải căn cứ vào các cơ chế sẵn có.
"Chúng tôi đã lắng nghe quan điểm của tất cả bạn bè và đối tác của chúng tôi về chính sách năng lượng, bao gồm cả các quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn. Nhưng các thành viên của OPEC+ đã có một cơ chế cố định để theo dõi và phán đoán tình hình trên thị trường dầu thô quốc tế. Cho đến nay, chúng tôi nghĩ rằng cơ chế này đang hoạt động tốt” - Thái tử Faisal Bin Farhan Al Saud cho biết thêm.
Nhà phân tích Helima Croft của RBC Capital Markets cũng cho rằng hiện tại chưa phải là thời điểm để OPEC+ tăng sản lượng mà nhiều khả năng sẽ là cuối năm nay. “Chúng tôi tin rằng các nhà sản xuất lớn ở Trung Đông đã thực sự chuẩn bị sẵn sàng để giúp lấp đầy khoảng cách cung cấp từ châu Âu và chứng minh họ là những nhà cung cấp toàn cầu đáng tin cậy”.
Trước đó, trong tháng 7/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến thăm Saudi Arabia nhằm kêu gọi nước này tăng thêm nguồn cung. Tuy nhiên, cuộc hội đàm hôm 29/7 giữa Phó Thủ tướng Nga với Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia thảo luận về việc giảm nguồn cung “vàng đen” trong tương lai, thì khả năng Saudi Arabia tăng thêm nguồn cung cho thị trường trong tương lai gần là không cao.
Trước động thái của các nước đóng vai trò chủ chốt trong OPEC+ là Nga và Saudi Arabia thì nhiều khả năng OPEC+ sẽ vẫn giữ mức cung ổn định trong tháng 9 và nếu có tăng cũng sẽ chỉ là mức tăng nhỏ giọt, điều khiến Mỹ và các nước tiêu thụ dầu mỏ lớn trên thế giới thất vọng./.