Điều chỉnh tỷ giá VND: Phân tích của các chuyên gia quốc tế
VOV.VN -Việc phá giá đồng tiền nội tệ của Việt Nam là một giải pháp tích cực để hỗ trợ xuất khẩu, giảm thâm hụt thương mại.
>> Phó Thống đốc: Tỷ giá năm 2015 tăng tối đa không quá 2%
>> Giá đô la sẽ ở mức 21.750 đồng/USD dịp cuối năm?
>> Điều chỉnh tỷ giá: Ai được lợi?
Việt Nam vừa điều chỉnh tỷ giá VND so với USD tăng thêm 1% lên mức 21.673 đồng/USD. Theo trang tin Business Rercorder, động thái này đã được trông đợi từ lâu, nhất là sau khi nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Việt Nam bị thâm hụt thương mại tới 3 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2015, so với mức 2 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.
Hỗ trợ xuất khẩu
Theo Bloomberg, việc phá giá đồng tiền nội tệ của Việt Nam là một giải pháp tích cực để hỗ trợ xuất khẩu. Ngân hàng Nhà nước (SBV) hạ giá tiền đồng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Bloomberg nhận định.
Một số chuyên gia dự báo mức giảm của VND sẽ không chỉ dừng lại ở 2%, bởi một số đồng tiền khác trong khu vực cũng đang bị phá giá tới 4-5%. |
Chuyên gia kinh tế Dariusz Kowalczyk của ngân hàng Credit Agricole CIB tại Hongkong, cho rằng, việc giảm giá tiền đồng là một bước đi quan trọng giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hiện đang gặp khó trong việc mở mang thị trường tại nước ngoài. Hiện các nhà xuất khẩu trong nước đang ở thế bất lợi khi so sánh với một số quốc gia khác trong khu vực như Indonesia và Malaysia – nơi đồng nội tệ của họ đang giảm giá mạnh: 2,9% - 5,7%.
Paul Mackel, trưởng ban nghiên cứu về tỷ giá hối đoái của HSBC tại các thị trường mới nổi, cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ không điều chỉnh chính sách tiền tệ trong năm nay sau khi đã mạnh dạn nâng tỷ giá USD/VND lên 1% trong tháng vừa qua.
Đánh giá về thời điểm hạ giá tiền đồng, Irene Cheung - chuyên gia của ANZ tại Singapore, nhấn mạnh, việc hạ giá VND là một giải pháp “thiên thời, địa lợi” giúp cân bằng cán cân thương mại, đặc biệt khi lạm phát của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm chỉ ở mức 1%, trong khi con số này cùng kỳ năm ngoái là 5,45%.
Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Alan Phạm của quỹ đầu tư VinaCapital Group tại TP HCM, cũng nhận định, đây là thời điểm tốt để nâng giá USD so với VND bởi áp lực phá giá tiền đồng đã có từ nhiều tháng nay.
Giảm thâm hụt thương mại
Christopher Wong, chuyên gia phân tích tiền tệ cao cấp của Maybank tại Singapore cho rằng, VND đã tương đối mạnh so với đồng tiền của một số nền kinh tế mới nổi khác ở châu Á. Lần điều chỉnh trước vào ngày 7/1/2015 và cũng với mức giảm 1% so với đồng USD ngay sau khi số liệu về thâm hụt thương mại được công bố, Christopher nhận định.
Chuyên gia này cũng đánh giá: đồng nội tệ mạnh không phù hợp với một nền kinh tế đang tăng trưởng và nâng cao sức cạnh tranh, đồng thời làm tăng giá thành sản xuất.
Một số chuyên gia khác dự báo mức giảm của VND sẽ không chỉ dừng lại ở 2% bởi một số đồng tiền khác trong khu vực cũng đang bị phá giá, giảm tới 4-5%.
Theo ngân hàng ANZ, VND có thể phải phá giá tới 3,1% ở mức 22.050 đồng/USD vào cuối năm nay. Trong khi đó, cả năm 2014 chỉ giảm có 1,4%.
Giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2015 chỉ tăng 8,2% trong khi nhập khẩu tăng 19,9%. Trong đó, chỉ riêng nhập khẩu phụ tùng, máy móc và thiết bị điện tử đã tăng 36,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam dự kiến tăng trưởng xuất khẩu ở mức 10% cho năm 2015 so với mức 13,7% năm ngoái.
Kênh thông tin kinh tế và tài chính Mỹ (CNBC) nhận định, việc nâng tỷ giá USD/VND là giải pháp “tâm lý” và đáp ứng “kỳ vọng thị trường”, nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội và ứng phó với những tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu./.
>> Điều chỉnh tỷ giá tăng 1% từ hôm nay
>> Tăng tỉ giá chỉ là do tâm lý
>> Điều chỉnh tỷ giá góp phần hỗ trợ xuất khẩu
>> Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá là cần thiết
>> HSBC: Vẫn có khả năng điều chỉnh tỷ giá thêm 1% vào cuối năm