Khuyến mại “đội” giá: Người tiêu dùng bơ vơ
VOV.VN - Cứ mỗi lần mì Kokomi, Sagami của Cty CP Thực phẩm Masan có chương trình khuyến mại, giá bán lại đội lên 5.000 đồng khiến người tiêu dùng bị thiệt.
Trong một thời gian dài, cứ thời điểm các nhãn hiệu mì: Kokomi, Sagami của Cty CP Thực phẩm Masan chạy chương trình khuyến mại người tiêu dùng đều phải mua hàng được khuyến mại với giá bị đội lên. Điều đáng nói là: Chuyện này luôn tiếp diễn khiến người tiêu dùng tưởng rằng đó là đương nhiên.
Khuyến mại vẫn cộng thêm 5.000 – 10.000 đồng
Câu chuyện người tiêu dùng mua mì tôm Kokomi được tặng thêm đèn lồng cá vàng hay bộ câu cá… có từ bao giờ thì chẳng rõ, chỉ biết rằng 2 năm trở lại đây, cứ khi nào trên TV quảng cáo là có khuyến mại, tại nhiều đại lí trên địa bàn Hà Nội, giá của loại mì này lại đội thêm tiền. Lí do mà người bán hàng đưa ra là thùng mì được tặng thêm quà nên giá đắt hơn thùng mì không khuyến mại.
Tại một đại lí ở thôn Du Nội, xã Mai Lâm (Đông Anh, Hà Nội), giá bán thùng mì có khuyến mại 1 đèn lồng cá vàng là 70.000 đồng/thùng, đắt hơn giá bán mì không khuyến mại 5.000 đồng/thùng. Lý giải điều này, chủ đại lý nói: “Giá đội lên là do cộng thêm giá chiếc đèn lồng. Nếu không tính giá đèn lồng, giá chỉ có 65.000 đồng”.
Một người cũng đang mua hàng gần đó lên tiếng: “Làn nào mì Kokomi khuyến mại giá bán đều cao hơn. Trước đây, khuyến mại bộ câu cá, giá bán còn lên đến 75.000 đồng/thùng, đắt hơn mì không khuyến mại 10.000 đồng/thùng. Giá của công ty bán như vậy nên chúng tôi cũng bán theo”.
Theo khảo sát của chúng tôi tại 3 đại lý lớn tại Đông Anh, 1 đại lý ở phố Hà Huy Tập, Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) và 3 đại lý tại quận Long Biên, giá bán mì Kokomi có khuyến mại này đều bán 70.000 đồng/thùng, chỉ duy nhất hàng bán buôn tại phố Hà Huy Tập có giá bán rẻ hơn là 68.000 đồng/thùng.
Cũng cùng một nơi sản xuất, nhãn hiệu mì Sagami đang có chương trình tặng túi 7 sắc cầu vồng trong mỗi thùng, giá bán cũng đội lên thêm 5.000 đồng, khiến giá mì Sagami có quà tặng tăng lên thành 85.000 đồng/thùng.
Dù giá mì có hàng khuyến mại luôn được nhà sản xuất quảng cáo trên TV là tặng thêm hàng, giá không đổi, nhưng khi giá đến tay người tiêu dùng lại bị đội lên. Người tiêu dùng cứ nghĩ rằng đó là chuyện đương nhiên và không nghĩ rằng mình đang bị thiệt thòi từ việc tăng giá bất hợp lí như vậy.
Theo chủ đại lí bánh kẹo trên Quốc lộ 3, huyện Đông Anh: “Giá mì tăng là do nhà phân phối tăng”. Nói rồi chủ cửa hàng đưa phiếu xuất kho vừa chỉ, vừa giải thích: “Đây là phiếu xuất kho mới nhất của nhà phân phối có kho chứa hàng trên địa bàn huyện Đông Anh, giá bán buôn mì Kokomi là 65.000 đồng/thùng. Giá bán này tăng lên 65.000 đồng nên đại lí cũng phải bán tăng theo, nếu bán bằng mì không khuyến mại giá 65.000 đồng thì lấy đâu ra lãi?”.
Một điều đáng ngạc nhiên là, rất nhiều hãng mì khác cũng đều có chương trình khuyến mại như mì Hảo Hảo, mì Cung Đình… nhưng chưa bao giờ thấy những nhãn hiệu này tăng giá duy chỉ có mì của Cty CP Thực phẩm Masan cứ có khuyến mại lại tăng giá, mà tăng giá đồng loạt nhiều khu vực?
Người tiêu dùng tự lo?
Ông Trần Phương Bắc, phụ trách truyền thông Cty CP Thực phẩm Masan cho biết, Cty chỉ quản lí đến nhà phân phối, trong quy định là nhà phân phối sẽ bán hàng đến cửa hàng nào đó, cửa hàng đó mới bán lẻ. Quy định bán lẻ 1 thùng kokomi là 65.000 đồng, nhà phân phối giao cho điểm bán lẻ, điểm bán lẻ bán cho người tiêu dùng, mình không can thiệp và không quản lí vào việc điểm bán lẻ bán cho người tiêu dùng.
Về nguyên tắc, các cửa hàng đó không được phép tăng giá vì đó là hàng khuyến mại. Nhưng đó là người ta tự ý tăng giá thì mình cũng không làm gì được.
Bàn về vấn đề này, đại diện Hội bảo vệ người tiêu dùng cho rằng: “Vấn đề này người tiêu dùng phải tự lo, phải cân nhắc trong chuyện mua bán. Vì đây là chuyện thuận mua vừa bán, chúng tôi khó can thiệp.
“Tuy nhiên, đại lí bán hàng đã có hoa hồng, nhưng lúc nâng giá bán hàng khuyến mại, Cty sản xuất phải lên tiếng là vì quyền lợi của chính mình. Đó là vì anh bán hàng của tôi, anh đã được ăn hoa hồng rồi, bây giờ anh lại bán hàng được khuyến mại với giá cao hơn thì hàng tôi không cạnh tranh được với các hãng khác, anh ăn hai mang như vậy giá đắt sức cạnh tranh kém, điều này người tiêu dùng bị ảnh hưởng mà nhà sản xuất cũng bị ảnh hưởng theo. Vì vậy, việc này nhà sản xuất phải là người lên tiếng”, vị đại diện này nhấn mạnh.
Trong trường hợp này, rõ rằng người tiêu dùng bị bơ vơ do không ai có trách nhiệm và cũng không ai nhận trách nhiệm này. Nói theo cách mà nhiều người từng nói đầy vô vọng là: Người tiêu dùng phải tự bảo vệ quyền lợi của mình”./.