Lo biến động giá dù hàng Tết dồi dào
Theo Sở Công Thương TP HCM, người dân không phải lo mua dự trữ hàng trong những ngày Tết vì sẽ phục vụ hết 30 Tết và mở cửa mùng 2 Tết.
Nguồn hàng Tết tăng mạnh
Sở Công Thương TP HCM cho biết, tổng giá trị hàng hóa các doanh nghiệp trên địa bàn chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng trước và sau Tết Giáp Ngọ 2014 trên 7.581 tỷ đồng, tăng 40,5% so với Tết năm ngoái. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết Giáp Ngọ 2014, tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị gần 3.800 tỷ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường trên 2.450 tỷ đồng.
Hàng Tết dồi dào, doanh nghiệp chủ động nhưng vẫn lo biến động giá. |
Bà Lê Ngọc Đào, Phó GĐ Sở Công Thương TP HCM cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn thị trường đã cơ bản hoàn thành kế hoạch cung ứng hàng hóa phục vụ Tết với khả năng cung ứng tăng bình quân 114% so với kế hoạch thành phố giao và tăng 69,4% so với kết quả thực hiện trong dịp Tết năm ngoái.
Nhiều mặt hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối 30-60% thị trường như dầu ăn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thịt gia súc. Riêng mặt hàng rau, củ, quả, do có sự thay đổi trong khẩu phần ăn của người dân nên lượng hàng chuẩn bị tăng lên 150%...
Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Phó TGĐ Saigon Co.op (đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Co.op Mart), hệ thống này đã tăng lượng hàng thiết yếu phục vụ Tết lên gấp 2 đến 3 lần so với tháng kinh doanh bình thường. Hệ thống Co.opmart đã triển khai kế hoạch chủ động nguồn cung từ rất sớm và tập trung vào những mặt hàng sản xuất trong nước như thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, hàng may mặc, hàng gia dụng và đồ uống.
Tổng lượng hàng hóa dự kiến cung ứng cho 3 tháng trước, trong và sau Tết được dự trữ các dịp này là khoảng 80.000 tấn, tăng hơn 20% so với Tết Quý Tỵ, tổng giá trị hàng hóa tương đương 5.000 tỷ đồng.
Ông Văn Đức Mười - Tổng Giám đốc Vissan cho biết, tổng giá trị hàng công ty này chuẩn bị phục vụ thị trường Tết năm nay lên đến 853 tỷ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường 784 tỷ đồng.
Lượng hàng dự trữ Tết của Vissan tăng 20% so với Tết năm vừa rồi. Cụ thể, dự trữ 40.000 con heo trong tháng Tết, tương đương tổng lượng hàng thịt tươi sống cung ứng trong tháng Tết là 4.500 tấn thịt heo các loại. Thực phẩm chế biến khoảng 6.000 tấn.
Bất ổn giá: Chủ tịch UBND quận, huyện chịu trách nhiệm
Ông Văn Đức Mười khẳng định, cho đến thời điểm này giá cả nguyên liệu đầu vào thay đổi rất nhiều. Cụ thể giá heo hơi trước đây 42.000 đồng/kg, giờ lên 51.000 đồng/kg, song Vissan cam kết giữ nguyên giá bán các mặt hàng bình ổn trước, trong và sau Tết.
Ông Nguyễn Thành Nhân cũng cho biết, để không rơi vào tình trạng khan hàng cục bộ dẫn đến tăng giá, ngoài nguồn hàng dự trữ trong kho, năm nay Saigon Co.op đã có kế hoạch phối hợp với các nhà cung cấp tổ chức vận chuyển hàng hóa kịp thời đến tận những nơi có nhu cầu tăng cao hay nơi có dấu hiệu khan hàng.
Mặc dù có sự chuẩn bị chu đáo về nguồn hàng lẫn các giải pháp phân phối, song các nhà chức trách lẫn doanh nghiệp vẫn không khỏi lo ngại giá hàng hóa tăng, đặc biệt trong những ngày cận Tết.
“Chủ tịch UBND quận huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về ổn định giá cả thị trường. Nếu quận huyện nào để xảy ra tình trạng găm hàng, đầu cơ dẫn đến bất ổn định, đột biến về giá các mặt hàng thiết yếu trong chương trình bình ổn thì Chủ tịch UBND quận huyện đó phải chịu trách nhiệm” –bà Lê Ngọc Đào nói.
Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó GĐ Sở Công Thương TP HCM, tất cả các hệ thống phân phối, từ hiện đại đến truyền thống sẽ bán hàng phục vụ người dân đến hết ngày 30 Tết và mở cửa lại vào mùng 2 Tết. Do vậy, người dân không phải lo mua dự trữ hàng trong những ngày Tết.
Từ nay đến Tết, thành phố tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển điểm bán và dự kiến sẽ phát triển 371 điểm bán mới trên toàn địa bàn. Ngoài ra còn tổ chức 665 chuyến bán hàng lưu động đến các vùng sâu vùng xa và phục vụ công nhân các KCN-KCX không có điều kiện về quê ăn tết…