Người nuôi ong và doanh nghiệp gặp khó khăn đi tìm thị trường mới
VOV.VN - Bộ Thương mại Mỹ công bố áp mức thuế sơ bộ chống bán phá giá hơn 412% đối với mật ong Việt Nam khiến những người nuôi ong và các doanh nghiệp xuất khẩu đang thấp thỏm lo cho đầu ra của sản phẩm ong mật.
Hiện nay, hơn 95% sản lượng mật ong của Việt Nam đang xuất khẩu vào Mỹ, trong đó, tỉnh Đắk Lắk chiếm tới gần một nửa, tương ứng hơn 20.000 tấn 1 năm. Tới đây, nếu Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên đến 412%, mật ong Việt Nam sẽ không còn cơ hội vào thị trường này. Cả người nuôi ong và doanh nghiệp xuất khẩu đều lâm vào cảnh khó khăn khi chưa tìm được thị trường mới.
Hơn 30 năm trong nghề nuôi ong lấy mật, gia đình ông Đinh Quang Khang ở phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột hiện đang sở hữu gần 6.000 đàn ong. Ông cho biết, mọi năm mật ong làm ra đến đâu bán hết đến đó với giá ổn định 40.000 đồng/kg. Với giá này người nuôi ong lời gấp đôi so với chi phí ban đầu. Tuy nhiên, từ tháng 11/2021, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố áp mức thuế sơ bộ chống bán phá giá hơn 412%, khiến các công ty xuất khẩu mật ong thu mua nhỏ giọt.
“Giá mật ong tới đây giảm còn 15.000 đồng/kg có khi các công ty họ cũng không mua vì họ không xuất khẩu được. Gia đình đã đầu tư lớn cho những đàn ong, giờ cũng không thể huỷ diệt được. Đầu tư mỗi đàn ong tới thời điểm khai thác mật cũng lên đến tiền triệu nên giờ tới vụ mật dù không bán được nhưng vẫn phải quay lấy mật tích trữ”, ông Khang cho hay.
Cùng với người nuôi ong, những doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang thấp thỏm lo cho đầu ra của sản phẩm ong mật. Ông Lê Thanh Vân, Tổng Giám đốc Công ty CP Ong mật Đắk Lắk cho biết, với ưu thế về thời tiết, đất đai thổ nhưỡng, nhiều loài cây hoa ong có thể thu mật và đặc biệt là với kinh nghiệm nuôi ong lâu đời, mật ong Đắk Lắk dễ dàng cho chất lượng và năng xuất cao. Việc DOC áp thuế dựa vào giá trị mật ong tương đồng của Ấn Độ sẽ là thiệt thòi, tác động trực tiếp và gián tiếp đến nghề nuôi ong ở Đắk Lăk.
“Đắk Lắk với lợi thế nguồn hoa cho mật rộng lớn cùng tập quán của người nuôi ong đã có từ lâu trên 50 năm. Cùng với đó, các doanh nghiệp lớn thu mua xuất khẩu mật ong đều tập trung ở Đắk Lắk. Với tất cả những yếu tố hội tụ đủ như vậy đương nhiên mật ong sẽ có sản lượng rất lớn. Thành ra, khi bị DOC áp mức thuế lớn như vậy, riêng người nuôi ong ở Đắk Lắk đang bị thiệt hại nặng nề nhất”, ông Lê Thanh Vân nói.
Hàng năm, sản lượng mật ong của tỉnh Đắk Lắk đạt trung bình 28.000 tấn và là địa phương có gần 50% sản lượng mật ong xuất khẩu của cả nước. Nếu Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên đến 412% đối với sản phẩm mật ong xuất khẩu của Việt Nam, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người nuôi ong, doanh nghiệp và một phần thu ngân sách của Đắk Lắk.
Hiện nay, tỉnh Đăk Lăk đã có văn bản báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành sớm có những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành mật ong. Đồng thời, 2 doanh nghiệp trong vụ việc điều tra của DOC là Công ty CP Ong mật Đắk Lắk và Công ty CP Ong mật Ban Mê Thuột đã chủ động làm việc, cung cấp số liệu thông tin cho các công ty luật tại Mỹ, để đưa ra luận điểm bác bỏ phán quyết của DOC đối với mức thuế chống bán phá giá mật ong của Việt Nam.
Về lâu dài, ngành ong mật Việt Nam cần những giải pháp mang tính bền vững như nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm, đang dạng thị trường xuất khẩu để hạn chế rủi ro. Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương tại phiên họp thứ 9 - Uỷ ban thường vụ Quốc hội mới đây, bà Lê Thị Thanh Xuân, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Bộ Công Thương có giải pháp cụ thể hơn trong việc tìm kiếm thị trường mới cho mật ong, thay cho việc Việt Nam chỉ thay đổi phương thức sản xuất để đáp ứng yêu cầu của thị trường Mỹ.
Có thể thấy, việc Mỹ dự kiến áp thuế chống bán phá giá đối với ngành mật ong đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và sinh kế của người nuôi ong. Tuy nhiên, đây cũng lời cảnh báo để ngành ong mật Việt Nam nói chung và ong mật Đắk Lắk nói riêng, cần nhìn lại mình để có hướng đi phù hợp trong môi trường kinh doanh toàn cầu hoá hiện nay./.