Những cây cầu “lạc nhịp” giao thông Hà Nội
VOV.VN - Hà Nội sẽ có thành phố bên sông, sẽ thêm nhiều cầu mới mọc lên, kết nối giao thông đôi bờ thuận tiện.
Người dân rất mong chờ những kế hoạch hạ tầng này, song nếu nhìn vào thực tế giao thông hiện nay trên những cây cầu so với kế hoạch dành cho nó, niềm mong mỏi cũng xen lẫn không ít nỗi lo.
Hà Nội sẽ có thêm 6 cây cầu bắc qua Sông Hồng, theo quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng đã được thành phố công bố.
Đối với hạ tầng giao thông kết nối, đó là con số không hề nhỏ, tức là giúp tăng gấp đôi số cầu vượt sông so với hiện hữu trong phạm vi phân khu trung tâm của đề án quy hoạch, hơn cả số cầu được đầu tư xây dựng trong gần 40 năm qua (không bao gồm cầu Long Biên).
Chưa nói chuyện xa xôi đánh thức tiềm năng kinh tế cả một vùng tả ngạn và bừng lên sức sống của thành phố hai bên sông, mà giản dị và thiết thực, nó là niềm mong mỏi của người dân đôi bờ, sớm chấm dứt cảnh phải ngắm sông bất đắc dĩ mỗi sớm, mỗi chiều từ trên những cây cầu kẹt cứng.
Song, kỳ vọng càng lớn, lo lắng cũng càng nhiều. Bởi với tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ đầu tư phát triển hạ tầng đô thị rất nhanh chóng hiện nay của Hà Nội và các địa phương trong Vùng Thủ đô, những quy hoạch cầu đường nếu không tính toán kỹ và dự báo sát, sẽ nhanh chóng trở nên lạc hậu so với yêu cầu thực tiễn, và trở thành cản lực thay vì động lực.
Cầu Thanh Trì, từng là một trong các cây cầu bê tông dự ứng lực tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, nằm trên trục QL1A với rất nhiều sứ mệnh lớn lao, nhưng 15 vận hành, thời gian tận hưởng của giao thông ngắn…chẳng tày gang.
Là bởi, phải mất tới 10 năm hoàn thiện vòng xuyến hoa thị phía Bắc nối xuống QL5, để sửa chữa khiếm khuyết từ khâu thiết kế. Tiếp theo 5 năm sau đó là sự mãn tải, rồi quá tải và ùn tắc liên miên.
Cầu Vĩnh Tuy – khánh thành dịp Nghìn năm Thăng Long, cũng dạt dào kỳ vọng về hoàn thiện hạ tầng kết nối. Nhưng ngoài việc mọc lên các siêu dự án bất động sản ở phạm vi hai đầu cầu, thì chức năng kết nối nhanh chóng bị.. chập chờn, do tắc đường như cơm bữa. Giai đoạn 2 của cây cầu này cũng bị chậm gần 10 năm so với kế hoạch ban đầu.
Cầu Nhật Tân trên tuyến cửa ngõ từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài vào trung tâm, không chỉ quan trọng về sứ mệnh giao thông mà còn ấn tượng về kiến trúc. Nhưng sau 5 năm, sự đông đúc đã đến. Sau 7 năm, đến nay, các nút giao bên phía trung tâm sáng nào cũng ùn xe kéo dài.
Tất nhiên, không một cây cầu nào được quy hoạch cho tầm nhìn 10 năm hay 20 năm, mà đều đặt trong các quy hoạch trung và dài hạn của giao thông đô thị, của địa phương và liên kết vùng, và đều có tính toán, dự báo về lưu lượng, đủ để nó hoàn thành trọng trách trước khi có những công trình tầm cỡ tiếp theo.
Tuy vậy, thực tế đã chứng minh dự báo bị trệch quá xa, hoặc hiện thực đã sai khác quá nhiều so với những gì nó được quy hoạch.
Chưa kể, những “họng” giao thông rót thẳng từ cửa ngõ vào trung tâm khiến mỗi khi thông một cây cầu, các nút giao kế cận ở nội đô lập tức bị “nghẹn”
Về lý thuyết, những khả năng này hoàn toàn có thể lặp lại với công trình sắp tới, nếu như, quá trình thiết kế dự án không làm chặt, đảm bảo dự báo sát nhu cầu giao thoogn theo quy hoạch dân cư và tốc độ phát triển kinh tế xã hội.
Nếu như, quá trình hẩm định thiết kế không làm chặt, để lọt những thiết kế “họng” giao thông rót thẳng một luồng phương tiện khổng lồ từ vành đai vào trung tâm mà không hề có “gờ” giảm sốc, hoặc những thiết kế theo kiểu “nửa vòng hoa thị”.
Hoặc, nếu các dự án thi công không đảm bảo tiến độ, giai đoạn 1 đã xuống cấp mà đợi mãi chưa xúc tiến giai đoạn 2.
Quan trọng hơn, đó còn là việc kiểm soát các quy hoạch liên quan, từ quy hoạch xây dựng đến quy hoạch dân cư, phương tiện… sao cho mọi thứ không bị xáo trộn, thậm chí “băm nát” so với bản quy hoạch để thiết kế những cây cầu…
Người dân có quyền kỳ vọng, và có căn cứ để hi vọng. Nhưng để các niềm hi vọng không trở thành ước vọng xa xôi, để những cây cầu thực sự nối bờ vui mà không bị “lạc nhịp” khi vận hành, điều đó phụ thuộc vào trách nhiệm, quyết tâm và cách làm của những người đứng đầu chính quyền đô thị./.